Ngày 7-12, tại đình Ngũ Xã (phố Nguyễn Khắc Hiếu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) đã diễn ra lễ giỗ tổ nghề đúc đồng Ngũ Xã, với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi.
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã do dân từ 5 làng vốn làm nghề đúc thủ công Đông Mai, Châu Mỹ, Làng Thượng, Diên Tiên và Dao Niên thuộc huyện Văn Lâm (Hải Hưng trước đây) và Thuận Thành (Hà Bắc trước đây) kéo về Thăng Long lập nghiệp từ thế kỷ 17 và lấy tên Ngũ Xã để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình.
Tương truyền rằng, một số thợ đúc đồng quê ở 5 làng trên đã cùng nhau về bán đảo Trúc Bạch (nay thuộc quận Ba Đình) mở lò đúc đồng, làm ra những chiếc nồi, sanh, đỉnh, chuông, tượng, đồ thờ và còn đúc cả tiền đồng cho triều đình. Đến cuối thế kỷ 18, nghề đúc đồng ở đây đã phát đạt, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị.
Trong quá trình dựng làng lập nghiệp, những người dân nơi đây đã xây ngôi đình thờ ông tổ sư nghề đúc đồng Minh Không. Ông tên thật là Nguyễn Chí Thành (1066 - 1141), là nhà sư nổi tiếng thời Lý, người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, học trò của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ông tu ở chùa Quốc Thanh và chùa Giao Thủy. Năm 1136, do chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên ông được phong là quốc sư và được ban thưởng nhiều vàng bạc.
|
Lễ dâng hương tưởng nhớ tổ nghề làng nghề đúc đồng Ngũ Xã |
Sau này, làng Ngũ Xã được tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã, thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội.
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồng,… với những nét tinh hoa bậc nhất.
Hai tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nói lên trí tuệ, tài năng, ý chí, sự tinh tế của thợ đúc đồng Ngũ Xã là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà được đặt tại chùa Thần Quang ngay trên đất làng.
Hiện nay, đình Ngũ Xã còn lưu giữ được một quả chuông đồng, ba đạo sắc phong từ năm Tự Đức thứ 3 (1850) đến năm Khải Định thứ 9 (1924).
Năm 2018, lễ giỗ tổ làng nghề đúc đồng Ngũ Xã được tổ chức vào các ngày 6 và 7-12, tức ngày 30-10 và 1-11 âm lịch với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, đặc biệt là cờ tướng.
|
Lãnh đạo chính quyền cùng người dân làng nghề Ngũ Xã dâng hương tại lễ giỗ tổ nghề |
|
Nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng ngày giỗ tổ nghề
|
(Theo Báo Pháp luật và Xã hội, 7/12/2018)