Ngũ Xã là năm xã Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Đào Viên và Điện Tiền ở vùng Thuận Thành (Bắc Ninh) và Văn Lâm (Hưng Yên). Vào khoảng thế kỷ 17 – 18, một số thợ đúc đồng quê ở năm xã đã cùng nhau về bán đảo Trúc Bạch (nay thuộc quận Ba Đình) mở lò đúc đồng, làm ra những chiếc nồi, sanh, đỉnh, chuông, tượng, đồ thờ và còn đúc cả tiền đồng cho triều đình.
Đến cuối thế kỷ 18, nghề đúc đồng ở đây đã phát đạt, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị. Nhà thơ Nguyễn Huy Lượng (? – 1808) đã viết: “Lửa đóm ghen Ngũ Xã xây lò” (trong bài phú “Tụng Tây Hồ”). Câu ấy có nghĩa là lửa đỏ thâu đêm suốt sáng của những lò đồng Ngũ Xã khiến lũ đom đóm phải phát ghen.
Cổng đình Ngũ Xã
Chính trong quá trình dựng làng lập nghiệp, những người dân nơi đây đã xây ngôi đình thờ ông tổ sư nghề đúc đồng Minh Không. Ông tên thật là Nguyễn Chí Thành (1066 – 1141) là nhà sư nổi tiếng thời Lý, người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, học trò của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ông tu ở chùa Quốc Thanh và chùa Giao Thủy. Năm 1136, do chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên ông được phong là quốc sư và được ban thưởng nhiều vàng bạc. Ông đem số vàng bạc ấy cho dựng chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) và đúc tượng Phật lớn đặt ở chùa này. Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm là một trong bốn đại khí của nước Nam thời Lý – Trần.
Đình Ngũ Xã được xây dựng vào năm 1796 và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Nhìn tổng thể, kiến trúc của đình theo kiểu chữ “đinh” khá bề thế, có tường xây biệt lập với xung quanh. Phần cổng đình mới được làm lại cách đây chưa lâu theo kiểu dáng nguyên gốc với hai cột cao to đắp hình đôi nghê châu vào nhau. Nối hai cột này ở phía trên là một bức bình phong, phía dưới là một bộ cửa gỗ tốt được chạm trổ công phu.
Bước vào nhà đại bái gồm năm gian, người xem bị choáng ngợp về hệ thống cửa võng, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng với nội dung ca ngợi công đức của vị tổ nghề đúc đồng. Tòa ống muống được làm theo kiểu vì kèo, bên ngoài là khu vực ban thờ, sập thờ, bên trong là cung cấm có tượng thiền sư Minh Không bằng gỗ cao khoảng 1,7m. Đây là nơi linh thiêng nhất của ngôi đình, nằm sâu bên trong hai cửa bên trái, bên phải được tạo tác theo kiểu chấn song con tiện và bộ cửa giữa được chạm thủng đề tài tứ quý.
Hiện nay, đình Ngũ Xã còn lưu giữ được một quả chuông đồng, ba đạo sắc phong từ năm Tự Đức thứ 3 (1850) đến năm Khải Định thứ 9 (1924). Có thể thấy ở ngôi đình này giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật đã hòa quện, đan xen vào nhau, khiến khách tham quan ngoài việc kính cẩn thắp hương tưởng nhớ tổ nghề, còn cảm nhận được vẻ đẹp của di tích qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mĩ, sáng tạo của nghệ nhân thuở xưa.
Pho tượng đồng A-di-đà trong chùa Ngũ Xã
Gần ngôi đình là chùa Ngũ Xã. Có thể nói chính pho tượng đồng A-di-đà đặt giữa Phật điện đã đem lại danh tiếng cho ngôi chùa và cho cả nghề đúc đồng Ngũ Xã. Pho tượng này được đúc trong những năm 1949 – 1952, tính cả tòa sen 96 cánh thì tượng cao 5,5m, riêng tượng nặng hơn 12 tấn. Hai nghệ nhân bậc thầy là cụ Nguyễn Phúc Hiếu tạo mẫu tượng, cụ thợ cả Nguyễn Văn Tùng làm khuôn và tổng chỉ huy việc đúc tượng. Ngoài các đồ đồng do những thiện nam tín nữ và khách thập phương cúng góp, nguyên liệu còn có tượng Paul Bert ở vườn hoa Chí Linh, tượng Đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam. Việc đúc thành công một pho tượng khổng lồ như trên là một tác phẩm nghệ thuật đáng được trân trọng và giữ gìn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đình và chùa Ngũ Xã như một điểm nhấn giữa bán đảo xinh đẹp bên hồ Trúc Bạch, đã trở thành một nơi du lịch hấp dẫn khách tham quan. Đến với di tích này, du khách không chỉ tìm về cõi hư ảo của thế giới tâm linh, mà còn để thấy một trong những nghề thủ công nổi tiếng của Thăng Long như trong câu ca: Lĩnh hoa Yên Thái/ Đồ gốm Bát Tràng/ Thợ vàng Định Công/ Thợ đồng Ngũ Xã.
(Theo KTĐT)