Người dân Lưu Thượng truyền lại cho nhau rằng, Lưu Thượng vốn là một làng nghề cổ có lịch sử hơn 400 năm. Tương truyền rằng, những năm đầu thế kỷ 17, làng có tên là Gầu Tế, dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại.
Cách đây hơn 300 năm bà Nguyễn Thảo Lâm đem nghề guột tế về cho làng. Dân làng đã học theo và rồi đời này truyền cho đời khác, để đến hôm nay, người Lưu Thượng vẫn tự hào vì có những sản phẩm “made in Vietnam” do chính tay mình sản xuất. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng Lưu Thượng đã tôn bà làm Tổ nghề với cái tên là Nguyễn Thảo Lâm và thờ phụng bà tại đình làng để quanh năm hương khói. Hàng năm vào ngày 16-10 Âm lịch dân làng tổ chức giỗ tổ làng nghề. Nhớ ngày ấy người dân Lưu Thượng sống trên mọi miền đất nước đều về thắp hương tỏ lòng tôn kính người đã đem lại sự phồn thịnh cho quê hương.
Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế có lịch sử hơn 400 năm. (Ảnh: vnexpress.net)
Theo tuyến Quốc lộ 21B đến Quán Tròn rẽ trái theo Tỉnh lộ 73, theo tấm biển đề du lịch làng nghề mây, tre, giang đan, guột tế Phú Túc sẽ dẫn ta đến với một điểm tham quan du lịch độc đáo. Bên những con đường được trải bê tông, trải nhựa hay lát gạch sạch, đẹp theo dọc địa phận xã, men theo rìa làng, dọc các thôn, xóm đã bắt gặp một không khí lao động hăng say sôi nổi. Từng dãy hàng guột tế, mây, tre, giang đan đang phơi ven đường, trong sân nhà. Trong kho, xưởng của những tổ hợp, doanh nghiệp lớn nơi những người thợ trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm: Khò đốt, phơi khô, chỉnh sửa, phun sơn, đóng gói... đang chất cao thêm những thùng thành phẩm chờ ngày tiêu thụ. Những con người khéo léo của đất nghề từ các em nhỏ tới các bậc cao niên, rồi những bà, những cô, những cậu... đang thoăn thoắt tay buộc, tay đan làm nên những món hàng độc đáo.
Một sức sống làng quê mới hiện ra trước mắt du khách là những con đường làng đều đã được cứng hóa, những ngôi nhà cao tầng, nhà mái bằng hiện đại đua nhau mọc lên. Khu trung tâm xã cũng là khu phố chợ Lưu Thượng chính là tâm điểm của chuyến tham quan, nơi tập trung khoảng 15 tổ hợp lớn. Những tên tuổi doanh nghiệp: Phú Ngọc, Phú Tuấn, Hiền Lương, Hồng Kỳ, Thành Công... đã vang tiếng khắp vùng và trở thành những đầu mối giao lưu quảng bá sản phẩm của cả làng đồng thời còn giúp mang nghề, mang việc làm và thu nhập cho cả các xã lân cận trong vùng chính là những địa chỉ đầu tiên ghé thăm của du khách.
Tại bất cứ một tổ hợp nào ta đều nhận được sự thân thiện, hiếu khách của những người chủ năng động. Thăm gian trưng bày giới thiệu hàng nghìn mẫu sản phẩm với đủ loại mẫu mã được sản xuất từ nguyên liệu mới, lạ như: Cỏ tế, mây, tre, giang, cói, cây bèo tây, dây rừng, bẹ ngô... Nào những con giống, những lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm... được để thô mộc mang nhưng nét giản dị quê hương hoặc dùng sơn, dầu bóng thổi những nét hiện đại, đẹp đẽ đều có những sức thu hút đầy sống động. Khách ghé thăm một ngôi nhà dân bất kỳ trong làng sẽ được tận mắt chứng kiến một không khí lao động rất đặc trưng của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Giữa ngôi nhà đang chất đầy những nguyên phụ liệu, những sản phẩm chờ ngày tiêu thụ, người lao động miệt mài công việc từ vót, chẻ những thanh tre, giang, mây, cỏ tế; người thoăn thoắt tay đan, tạo nên những sản phẩm độc đáo. Cả gia đình quây quần lao động giữa một không khí đầm ấm, vui vẻ và sẵn sàng hướng dẫn giới thiệu với du khách thử tay uốn lạt, đan một món hàng độc đáo nào đó để mang về làm quà, ghi lại dấu ấn một chuyến đi lý thú. Kết thúc nửa ngày tham quan làng nghề, ta có thể ghé thăm phiên chợ quê mộc mạc, thăm các đình làng nơi thờ bà tổ của nghề, ngôi chùa nhỏ ven làng.