Từ xưa, những người mang nghề thủ công truyền thống về dạy cho dân làng đều được vinh danh là ông tổ của nghề. Với người dân của tám thôn trong xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Văn Ngài được coi như người có công đầu dạy nhân dân làng xã nghề đan cỏ tế xuất khẩu.
Gia đình ông Ngài cùng người dân Phú Túc chỉ chú tâm vào nghề chẻ cỏ tế để bán lại cho các làng nghề khác quanh vùng như làng đan ở Ninh Sở, làng rổ rá ở Cầu Bầu, làng nón ở Chuông, làng nong nia ở Lau, Trường Thịnh...
Năm 1988, đại diện Công ty xuất nhập khẩu Quảng Ninh mang một số hàng mẫu về đặt hợp tác xã Phú Túc. Mọi người háo hức nhận đan thử, song đều thất bại và chán nản. Ông Nguyễn Văn Ngài lên xin hợp tác xã cho thêm thời gian để tập đan. Về nhà, từ hàng mẫu là chiếc đĩa bầu dục, ông Ngài bỏ hết việc đồng áng, quên cả ăn ngủ để tập đan theo mẫu. Ông tháo mẫu ra, xem từng nống đan, kiểu cạp rồi tập đan cho thật giống. Sau những chiếc đĩa đầu méo mó, ông Ngài đã có thể đan được một chiếc đĩa y hệt hàng mẫu sau nửa tháng mày mò tự học.
Từ nguyên liệu là cỏ tế, nghệ nhân Ngài cùng mọi người thử áp dụng và thành công khi kết hợp cỏ tế với các loại nguyên liệu khác như mây, bèo, giang, gai, cói, lá bua... Ðiều này vừa tạo ra sự đa dạng trong chủng loại các mặt hàng, vừa giải quyết vấn đề nguyên liệu cho sản xuất.
Bên cạnh những sản phẩm dụng cụ tiêu dùng như khay tế bộ ba, đĩa đơn pha cói, lẵng đựng bia rượu, bồ đựng đồ..., nghệ nhân Ngài tiếp tục thành công với các đơn hàng là các sản phẩm phức tạp hơn. Ngoài ra ông còn tự sáng tạo ra mẫu các con vật và thành công với các hình con chim, gà, vịt, ếch... vừa là vật dụng, vừa có thể trưng bày như những sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Có nhiều sản phẩm mẫu khi đối tác đưa đến, không ai có thể đan giống được vì sự phức tạp của nó. Chẳng hạn như sản phẩm con sò xuất khẩu, chỉ nghệ nhân Ngài mới đan được, sau khi nắm được bí quyết, ông liền truyền lại cho mọi người trong thôn xã.
Khi lô hàng đầu tiên là 300 chiếc đĩa lục lăng ký kết với Công ty xuất nhập khẩu (XNK) Quảng Ninh thành công, nhân dân trong làng Lưu Thượng quê ông tấp nập đến nhà xin làm học trò ông Ngài. Căn nhà nhỏ bỗng chốc biến thành lớp học đan nhộn nhịp. Ban đầu là năm bảy người, dần dần, già trẻ cả làng đến học đan, dân các làng khác trong xã Phú Túc cũng khăn gói đến học đan nhà ông Ngài. Vừa dạy đan cho mọi người các mẫu đã biết, ông Ngài vừa tiếp tục tự tập đan thêm nhiều mẫu mới. Khi tay nghề đã nâng cao, ông chỉ cần nhìn qua mẫu là có thể tự đan lại giống y hệt, bên cạnh các mẫu đan do ông tự nghĩ ra.
Tiếng giỏi đồn xa, liên tiếp các Công ty XNK hàng thủ công mỹ nghệ Artex Thăng Long, Công ty cổ phần XNK Mây tre Việt Nam - Barotex, Công ty cổ phần XNK Nam Hà - Uđômxay đến đặt hàng nghệ nhân Ngài. Ông đứng ra ký kết các đơn hàng, rồi về giao lại cho các gia đình trong thôn xã tùy theo năng lực của từng hộ. Ròng rã sáu bảy năm trời, ngày ngày ông cuốc bộ từ nhà này sang nhà khác, chỉ bảo tỉ mỉ các kỹ thuật để có được một sản phẩm hoàn thiện. Con đường tám thôn trong xã không nơi nào không in dấu chân ông.
Với những đóng góp không nhỏ cho quê hương, ông Ngài chính là người đầu tiên của huyện Phú Xuyên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, bên cạnh hàng chục bằng khen, giấy khen của phòng công thương huyện. Năm 2003, ông được mời tham dự Hội nghị người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ nhất. Giờ đây, khi bước sang tuổi 70, ông đã giao việc sản xuất hàng hóa cho con cháu. Khi chúng tôi đưa ra những con số về sự giàu sang của Phú Túc, trên môi nghệ nhân Ngài nở nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc.