Chùa Hướng Dương thường gọi là “Vĩnh Minh tự” thuộc thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt. Kiến trúc ngôi chùa còn khá nguyên vẹn có các công trình: Chùa chính gồm Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách
Ngôi chùa chính làm kiểu chữ đinh gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Những công trình này đều cấu trúc theo lói chung là tường xây đầu hồi bít đốc, mái dốc chảy lợp ngói ta. Phía trong là phần kiến trúc gỗ. Trên bờ nóc, bờ guột đắp nổi chữ đinh, đắp kìm vuông hình đấu giữ bờ mái. Khung nhà làm kiểu ba hàng cột chịu lực với hệ thống xà dọc, xà ngang liên kết có những bộ vì thượng làm theo hình thức chồng rường giá chiêng. Trên má và lòng câu đầu, thân kẻ bẩy có trang trí hoa văn thực vật, chữ triện. Trên kiến trúc của chùa ít trang trí hoa văn, chỉ giành nghệ thuật cho tạc tượng và đồ tự khí.
Chùa Hướng Dương có quả chuông đồng “Vình Minh tự chung” (chuông chùa Vĩnh Minh) được đúc vào năm Gia Long thứ 15 (1816), do bị hư hỏng đến năm Tự Đức thứ 6 (1853) dân làng đúc lại quả chuông.
Trên tòa Tam bảo và Tiền đường có 24 pho tượng Phật cổ, được bài trí như sau: Lớp thứ nhất là 3 pho tượng Phật Tam thế tọa lạc ở trên cùng sát tường hồi Thượng điện. Lớp thứ hai là bộ tượng Di đà tam tôn, chính giữa là tượng A Di Đà, hai bên là Đức Quan âm và Đại Thế chí. Lớp thứ ba là tượng Thích Ca giáo chủ, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu. Cuối cùng là tòa Cửu Long ở giữa có khối tượng Thích Ca sơ sinh. Hai bên là vị Thánh Tăng và Thổ địa.
Ngoài Tiền đường có ban thờ đức Thánh Ông và ban thờ đức Thánh Hiền. Gian bên có khối tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác.
Chùa Vĩnh Minh thờ phật theo giáo lý Tam tạng khinh phái Đại thừa nghĩa là tự nhận mình có thể vừa phải thoát cho mình và người ra khỏi sinh tử luân hồi, tự độ mình vầ người cùng đi đến Niết Bàn, như cỗ xe lớn chở trong cùng một lúc được nhiều người.