Làng Chuông là tên nôm thường gọi của làng Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Tây, nổi tiếng có nghề làm nón. Chợ làng Chuông họp ngay trước sân đình, tháng có 6 phiên (mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30) nhưng lớn nhất là phiên chợ mùng 10. Từ 5 rưỡi, 6 giờ sáng, các bà, các cụ kìn kìn mang nón ra chợ. Chẳng mấy chốc, cả chợ đã xôn xao tiếng người và trắng lốp toàn nón là nón.
... Mùng mười đi hội Chuông chơi
Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi...
Trong chợ còn chia thành các khu bán nguyên liệu làm nón, do dân buôn ở các nơi về. Nào là vành nón, mo tre, khuôn, lá cho đến cả sợi cước và quai nón cũng đều bán sẵn. Lá nón thường là lá lụi, buôn từ mạn Hà Tĩnh, Thanh Hóa ra. Người làng Tràng Xuân chuyên vót vành nón từ tre và nứa rồi mang đến chợ.
Sợi guột, sợi mây thì do dân làng Dầu Tế mang sang, khuôn nón lại do người làng Lựa làm sẵn. Để có được cái khuôn đẹp cũng là một nghệ thuật. "Đẹp nón nhờ người thắt, đẹp mặt nhờ khuôn", bởi vậy, những chiếc nón do dân làng Lựa làm ra có một tầm quan trọng đối với vẻ đẹp của chiếc nón làng Chuông. Mo tre, mo nứa thường được nhập từ Sơn La, Hòa Bình xuôi về, chất thành đống ở một khu riêng bên đình. Đông nhất có lẽ là khu bán nón, người bán, người mua lao xao mặc cả. Có chị thì vài ba chiếc cầm tay, có cô đội trên đầu cả chục cái, nom ngộ nghĩnh.
Hiện nay, làng Chuông cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu nón mỗi năm. Nón làng Chuông dăm năm trở lại đây đã theo các đoàn khách du lịch ra nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... Với người Việt Nam, chiếc nón đã gắn bó mật thiết nên nón đi vào thơ, vào nhạc một cách tự nhiên. Nón không chỉ là vật che mưa, che nắng, nón thay quạt lúc trưa hè, nón làm cơi đựng trầu khi gặp bạn. Chẳng thế mà, khi khách nước ngoài kết thúc một chuyến đến Việt Nam, hình như ai cũng muốn có một vài cái nón trong hành trang về nước.