Chị Tạ Thu Hương sinh năm 1968, tại thôn Quang Trung (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, có tên Nôm là làng Chuông).
Từ khi mới 7 tuổi, chị Hương đã quen với công việc của người thợ làm nón. Với chị, công việc của người thợ nón đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ và phải làm hoàn thành bằng thủ công. Lá nón nhập từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Yên Bái... được chọn từng lá một và phân loại thật kỹ. Lá cứng dùng làm hàng bình dân, lá non dùng làm hàng tốt. Tất cả các lá được phơi đều nắng, chiếc lá từ xanh chuyển sang mầu trắng bạc, chín đẹp, hơ qua lưu huỳnh để tránh ẩm mốc. Vòng nón được làm từ tre, sợi vòng phải tròn đều, khi nối với nhau thì nuột nà, trơn tru, tuyệt đối không được lẹm, vênh.
Công đoạn "khâu nón" theo chị là công đoạn khó nhất của nghề nón, thể hiện sự tài tình khéo léo của người thợ. Người thợ giỏi là người khi khâu bảo đảm nón không bị nát lá, không bị lộ chân kim, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp, khăng khít chặt chẽ, khi soi lên mặt trời không thấy kẽ hở. Ðể tránh thấm nước, người thợ sẽ phết phía ngoài lớp quang dầu thông mỏng.
Với tình yêu và tay nghề đặc biệt, chị đã làm ra những chiếc nón nổi tiếng như: ba chiếc nón khổ lớn (mỗi chiếc có đường kính 3m) để chào đón Seagame 22 và chiếc nón khổng lồ trưng bày trong lễ hội chào mừng Hội nghị APEC (đường kính 3,6 m) năm 2006. Ngoài kiểu nón truyền thống, chị Hương còn sáng tạo nón lá kết hợp với lụa Hà Ðông, nón lưu niệm, nón Bồ Hụp, nón Thái... Nón lá kết hợp với lụa đòi hỏi người thợ phải đạt trình độ kỹ thuật cao, tinh xảo. Chiếc nón lụa nhẹ nhàng, thanh thoát, lại hiện đại với nét óng ả của lụa, mầu sắc phong phú, dễ kết hợp các loại váy áo...