Đình Triều Khúc tên tự là Miếu Đường Lâm, tọa lạc trên mảnh đất Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Triều Khúc có hai đình là đình Sắc (nơi để sắc phong) và đình Đại (nơi thờ Phùng Hưng). Kiến trúc của cả hai ngôi đình đều còn nguyên vẹn như xưa.
Cổng đình Triều Khúc (Ảnh: Phương Anh)
Đình Triều Khúc thờ Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương làm thành Hoàng làng. Đình tồn tại trong suốt thời gian dài trong lịch sử và gắn chặt với mảnh đất làng Triều Khúc. Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tỵ (760) và mất vào tháng 6 năm (791), người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, giành lại chủ quyền và độc lập dân tộc.
Theo thần tích Bố Cái Đại Vương, Phu Hựu, Chương Tín, Sùng Nghĩa, Thượng Đẳng Thần được ghi trong cuốn thần tích Việt Nam của Lê Xuân Quang Nxb VHTT - 2000:
“Năm Nhâm Tuất (602) vua Tùy Văn đế phong Lưu Phương làm Hành quân Đại tổng quản, thống xuất 27 doanh quân, sang xâm lược nước ta . Hậu Lý Nam Đế là Lý Phật Tử dâng nước xin hàng, nhà Tuỳ đặt chức Giao Châu Đại tổng quản cai trị nước ta.
Năm 168, nhà Tùy sụp đổ. Nhà Đường đổi Giao Châu Đại Tổng Quản làm An Nam Đô Hộ Phủ. Năm 722, ở huyện Thiên Lộc (Hà Tĩnh) có ông Mai Thúc Loan nổi dậy chiếm đất Hoan, xây thành đắp luỹ tự xưng Hoàng đế tục gọi là Mai Hắc Đế được ít lâu thì mất. Đến đời Đường Đại Lịch (766- 799) Hào trưởng Đường Lâm, xứ Đoài (Sơn Tây) là Phùng Hưng gia tư giàu có, sức khoẻ phi thường, vật đổ trâu cày, đánh chết hổ dữ, vì căm giận đô hộ Cao Chính Bình thi hành thuế má nặng nề, hình phạt dã man, ông tự xưng Đô quan khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ. Nhân dân các cấp láng giềng theo về rất đông, Phùng Hưng đem quân tiến về Tống Bình, suốt dọc đường hành quân dân chúng nô nức kéo nhau đón mừng nghĩa quân như đi trảy hội. Nhiều người nhân ra nhập đoàn quân, nên khi các đạo quân tiến sát chân thành Tống Bình, thì Phủ Đô Hộ như một cù lao, giữa biển người mang binh khí trùng trùng điệp điệp. Cao Chính Bình lo sợ phát bệnh mà chết. Đô quan Phùng Hưng kéo quân vào thành Tống Bình dựng nên tự chủ, trị nước yên ổn được 7 năm thì mất. Nhân dân như mất cha, mất mẹ. Thời xưa tục gọi Cha là Bố, Mẹ là Cái nên tôn hiệu Đô quan là: Bố cái đại vương”.
Điểm nổi bật của đình làng Triều Khúc vốn là nơi đặt tại bản doanh xưa kia của Phùng Hưng trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Đường. Hiện nay, tại nghi môn đình Triều Khúc vẫn còn bút tích ca ngợi công đức của Đức Phùng Hưng với đôi câu đối:
“An Nam tráng khí sơn hà tại.
Bình bắc dư linh thảo mộc chi”
(Khí mạnh dựng trời Nam, núi sống còn mãi
Oai thiêng trừ giặc Bắc, cỏ cây còn ghi)
Đình Triều Khúc nằm trong cụm di tích lịch sử - văn hóa: Đình - Đền - Chùa Triều Khúc, là nơi hội tụ của các tín ngưỡng, tôn giáo cổ tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc. Đình là một trong những công trình kiến trúc có quy mô to lớn và theo ý nghĩa của người xưa nó có tầm quan trọng ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và sự kiện của dân làng. Trong đó, đình Triều Khúc là hợp thể của các đơn nguyên kiến trúc như: nghi môn, phương đình, hai dãy nhà giải vũ, đại đình và hậu cung.
Nghi môn đình Triều Khúc
Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, đình Triều Khúc được xây dựng theo hướng Nam, trước mặt đình là một cái hồ và một cái sân rộng, tiếp đến là nghi môn. Cũng như đình ở các nơi khác, nghi môn là kiến trúc không thể thiếu được của đình. Nghi môn đình Triều Khúc mới được xây dựng lại trong thời gian gần đây, với kiểu kiến trúc là một nếp nhà gạch 3 gian. Chính giữa nhà được xây tường cao tới nóc mái và chạy suốt ba gian nhà. Trên tường mở hai cửa nhỏ và một cửa lớn để làm lối ra vào trong di tích. Trên hai bức tường hồi đắp nổi, con nghê, cột trụ xây gạch to cao, trên mái có hai con rồng chầu mặt trời. Với sự hiện diện nghi môn trong di tích còn mang ý nghĩa giống như một bức bình phong để tránh luồng gió độc từ ngoài thổi vào đình tạo sự tinh khiết linh thiêng cho di tích phía bên trong. Ngoài ra, đình Triều Khúc còn có hai cổng phụ ở hai bên nhưng cổng này nhỏ và ít được sử dụng.
Hai ngôi nhà nằm song song hai bên sân đình là hai dãy nhà giải vũ ba gian, được làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Tả, hữu vu là nơi để sắp xếp lễ vật dâng lên thành hoàng và để cho bà con nghỉ chân trong dịp lễ hội, là nơi tiếp khách, đặt kiệu.
Qua khu sân lớn ta bắt gặp một công trình kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là phương đình được đặt trên một nền cao hơn so với sân đình là 40cm, nền lát gạch lá nem có kích cỡ 20x20 cm. Toà phương đình được xây dựng trên hệ thống cột gỗ lim, các cột được đặt trên những chân tảng kê bằng đá xanh, riêng 4 cột cái gian giữa là 4 chân tảng kê tròn cổ lượn. Toà phương đình làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Đỡ các mái nhỏ bên trên là 4 kể dài chạy từ cột cái tới nóc mái, 4 mái dưới được đỡ bằng những kẻ dài ăn mộng vào cột cái qua cột hiên trên kẻ đặt một ván gỗ dày để đỡ hoành. Các đầu kẻ chạm chìm hình mây, các đầu dư dưới xà thượng được trang trí đầu rồng râu xoắn, mắt lồi dữ tợn là đặc trưng của thời Nguyễn.
Phương đình, một kiến trúc độc đáo của đình Triều Khúc
Tiếp theo, toà phương đình được nối liền bởi hệ thống ống máng là toà nhà đại đình. Đây là toà nhà có kết cấu hoành tráng nhất trong tổng thể kiến trúc của khu di tích. Toà đại đình được đặt trên một nền cao hơn toà phương đình là 20cm, cao hơn mặt sân 60cm. Toà nhà bao gồm 5 gian 2 chái và được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, kết cấu hình chuôi vồ, trong đó, phần nền được lát bằng gạch Bát Tràng. Phần mái toà đại đình được phủ một lớp ngói di và có tường bao quanh. Trên nóc mái của toà đại đình khoảng giữa có đắp nổi hình 2 đám mây đơn giản không trang trí. Hai đầu nóc mái cũng được đắp bằng vữa hình 2 con long mã có gắn sứ. Ở 2 đầu kìm là những đao cong vút lên theo kiểu hình sừng và phía đỉnh cao là 2 đầu rồng đắp bằng xi măng.
Đại đình là một toà nhà lớn với kết cấu 6 hàng chân cột bao gồm 8 cột cái và 16 cột quân. Cột được làm bằng các thân cây gỗ lớn kiểu “thượng thu hạ thách”, cột cái có đường kính 30 cm, cột quân có đường kính 25 cm. Hệ thống cột được bào nhẵn để mộc, chỉ sơn dưới chân cột để chống ẩm mốc và mối mọt.
Bên trong đình, chính giữa gian lớn nhất có bức hoành phi đề “Thánh cung vạn tuế” trong bốn khung riêng biệt. Viền khung là một đường diềm kết bởi văn xoắn dưới các dạng khác nhau. Bao xung quanh khung trên đỉnh hoành phi là một đôi rồng lớn chầu mặt trời, đi sau là phượng. Phía dưới bức hoành phi ở cửa ngăn cách với hậu cung bao gồm những xà, những mảng chạm, những đao mác thuộc nghệ thuật thế kỉ thứ XVII. Ở hai cửa bên phía trên đỉnh của võng cũng có những rồng, đao của thế kỷ thứ XVII.
Đại đình - toà nhà có kết cấu hoành tráng nhất trong tổng thể kiến trúc của khu di tích
Hậu cung của ngôi đình mang tính chất sâu lắng nhất, đó là nơi thờ tự chính của ngôi đình nó thể hiện tính chất thâm nghiêm nhất trong tổng thể kiến trúc của di tích. Hậu cung của đình Triều Khúc gồm ba gian dọc được làm nối liền với gian giữa đại đình thành kiểu kết cấu hình chữ đinh. Bộ khung mái hậu cung được làm đơn giản kiểu kèo cầu xà nách. Nghệ thuật chạm khắc trang trí chủ yếu là bào trơn kẻ soi. Hậu cung đình được làm kín đáo, phía trước mở các cửa gỗ, phía trong bài trí bàn thờ, đồ thờ tự và là nơi đặt long ngai bài vị thành hoàng của làng .
Tồn tại cho đến nay, ngoài các công trình kiến trúc nghệ thuật, đình Triều Khúc còn lưu giữ được một khối lượng di vật đồ sộ với nhiều thể loại, chất liệu khác nhau gồm (1 cuốn Thần phả ghi sự tích của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, 11 sắc phong sớm là năm Cảnh Hưng 44 (1783), muộn là năm Khải Định 9 (1924), 18 hoành phi và có 4 bức khảm trai, 32 câu đối 2 bộ long ngai bài vị, 3 bộ kiệu và 4 bức cuốn thư sơn son thếp vàng, 1 sập gỗ thờ, 11 bát hương sứ, 5 bộ tam sự bằng đồng, 2 bộ bát bửu, 3 hương án sơn son thếp vàng, mâm bồng, lọ hoa sứ, 1 đôi quán tẩy). Các di vật này mang giá trị lịch sử văn hóa cao, đây còn là nguồn tư liệu qúy cho việc tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của một làng quê truyền thống.
Các di vật bằng gỗ gồm: Ngai thờ (trong hậu cung) có niên đại thế kỉ XIX, Nhang án có niên đại thế kỷ XX; Kiệu rước: Hiện nay, trong đình còn lưu giữ được ba cỗ kiệu lớn được chạm khắc công phu với đề tài chủ yếu là rồng, mây. Kiệu được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Phong cách chạm khắc, trang trí thuộc thế kỉ thứ XIX; Hoành phi câu đối: trong đình Triều Khúc có 18 bức hoành phi, trong đó có 4 bức được khảm trai ghi “Công tham tạo hóa” nghĩa là công ngang trời đất. Và 32 câu đối bằng gỗ. Trong đó có 5 đôi câu đối lòng máng được khảm trai, nội dung ngợi ca công đức của Phùng Hưng như:
Trừ hung thảo nghịch cương trúc chính
Phục nghĩa phù nhân thốn kỉ minh.
Dịch nghĩa:
Dẹp trừ thù địch, gây nền móng
Làm việc nghĩa nhân sáng tỏ lòng.
Các di vật vật bằng giấy, trong di tích đình Sắc (nơi để sắc phong) hiện nay còn lưu giữ 11 đạo sắc phong gồm: Cảnh Hưng thập tứ niên thất nguyệt nhị thập lục nhật (1783); Gia Long cửu niên bát nguyệt nhị thập nhất nhật (1810); Minh Mệnh nhị niên thất nguyệt thập ngũ nhật (1821); Thiệu Trị nhị niên bát nguyệt sơ thất nhật (1842); Thiệu Trị nhị nguyên cửu nhật sơ cửu nhật (1842); Tự Đức tam niên thất nguyệt sơ tam nhật (1850); Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật (1880); Đồng Khánh nhị niên thất nguuyệt sơ thất nhật (1887); Thành Thái thập tam niên thập nhị nguyệt thập ngũ nhật (1901); Duy Tân tam nguuyên bát nguyệt bát nhật (1909); Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật (1924).
Đình Sắc- nơi để sắc phong
Cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình Triều Khúc đã bị phá huỷ. Đến thế kỷ XVIII, đời vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786) đình mới được “phục dựng” trên nền cũ, và còn lưu giữ được một mảng chạm khắc của thế kỷ XVII được dùng lại vào lần tu sửa này. Mảng chạm hiện nay ở trong hậu cung đình Triều Khúc. Sau đó, trải qua các lần tu sửa vào các năm 1839, 1901, 1935, 1998, 2001, 2002, 2003 đình Triều Khúc mới được khang trang, bề thế như ngày nay.
Lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức trong ba ngày từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng tôn thờ đức “Bố Cái Đại Vương”, ngoài phần tế lễ nhằm tưởng niệm và ca ngợi công đức của Thánh còn có các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Mở đầu là lễ rước long bào - triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Đại (Triều Khúc có hai đình) để bắt đầu cuộc tế gọi là lễ “hoàn cung”. Khi cuộc tế lễ trong đình bắt đầu thì ngoài sân đình các trò vui cũng được tổ chức, một trong những trò vui được nhiều người ưa thích nhất là trò “Con đĩ đánh bồng” (hay còn gọi là múa bồng). Đây là một điệu múa cổ do hai chàng trai đóng giả gái biểu diễn, trong bộ quần áo mớ ba mớ bẩy, cộng với hóa trang má phấn môi son, răng đen hạt huyền, mắt lá răm, khăn mỏ qụa, hai “cô gái” vừa nhún nhảy vừa vỗ trống Bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, nom rất vui mắt và cũng gây cười. Tiết mục này thường thu hút người dự hội nhiều nhất và cũng là tiết muc sinh động và độc đáo nhất trong lễ hội Triều Khúc.
Múa Bồng - điệu múa cổ được nhiều người ưa thích nhất trong lễ hội Triều Khúc
Bên cạnh múa bồng, múa rồng, trong hội Triều Khúc còn có nhiều trò vui chơi giải trí khác như: thi vật, trò chơi bắt vịt, chọi gà, chơi cờ, đá cầu... làm cho ngày hội thêm sôi nổi.
Năm 1982, đình được Sở Văn hóa Thông tin xếp hạng, đến năm 1993, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
(Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, 29/10/2015)