Trong lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng, có “lễ vào làng” rất độc đáo. Người Kim Hoàng rất trọng lễ này. Vào những ngày hội, dù ai đi làm ăn xa cỡ nào cũng đều thu xếp về để làm lễ vào làng cho con trai...
Hát quan họ tại Lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng
Sau 3 ngày tổ chức, chiều 28/3 (tức 12/2 năm Mậu Tuất), lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng (Vân Canh – Hoài Đức – Hà Nội) đã khép lại.
Ông Nguyễn Thế Ngụ - Phó Ban tổ chức Lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng xuân Mậu Tuất 2018 cho biết, đã thành lệ, thành nếp từ nhiều chục năm nay, cứ vào ngày mùng 10, 11, và 12 tháng 2 âm lịch, người dân làng Kim Hoàng lại tổ chức lễ hội truyền thống để tri ân công đức của các bậc tiền nhân.
Trong những ngày làng mở hội, con dân của làng, dù làm ăn ở xa cũng đều về làng, mang lễ vật đến đình dâng cúng và tham dự các trò chơi dân gian.
Lễ hội còn thu hút cả bà con ở các làng xã lân cận đến tham dự...
Trong ngày hôm qua (11/2 âm lịch), nhiều trò chơi dân gian như bắt vịt nước, chơi cờ tướng, đập niêu đất… đã được tổ chức.
Ông Nguyễn Thế Đỉnh – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng cho biết, các trò chơi diễn ra vui nhộn, thu hút rất đông bà con tham dự.
Đại diện Ban tổ chức lễ hội cũng cho biết, cứ 5 năm một lần, làng Kim Hoàng lại mở hội to một lần. Qua đó, để khơi gợi những giá trị truyền thống, bảo tồn những giá trị văn hóa của cha ông cũng như là dịp để người dân gắn bó, đoàn kết nhau hơn…
Trò chơi thi đập niêu đất
Trong lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng, có “lễ vào làng” rất độc đáo.
Ông Nguyễn Thế Ngụ (72 tuổi) cho biết, đây là một tập tục đã có từ xa xưa. Vào ngày 10 hoặc 11 tháng 2 âm lịch, tất cả những gia đình sinh con trai trong năm sẽ mang lễ vật về đình làng Kim Hoàng để báo cáo và làm lễ vào làng cho con.
Người dân dâng lễ vào đình làng
Người Kim Hoàng rất trọng lễ này. Dù ai đi làm ăn xa cỡ nào cũng đều thu xếp về để làm lễ vào làng cho con trai. Ông Ngụ kể, ngày trước có những gia đình không làm lễ này thì sau đó con thường bị ốm, bị bệnh…
Vào ngày cuối lễ hội truyền thống, người làng Kim Hoàng thường tổ chức bữa tiệc ở đình Kim Hoàng để nhân dân và khách về dự cùng ngồi hưởng lộc thánh. Bữa cỗ không thể thiếu thịt lợn luộc, giò luộc, xôi trắng…
Bữa cỗ ở đình Kim Hoàng không thể thiếu thịt lợn, giò luộc, xôi trắng
Ông Vũ Duy Trinh – Thủ từ đình Kim Hoàng cho biết, đình Kim Hoàng được dựng từ năm 1701. Trên cây cột cái của đình làng Kim Hoàng còn ghi thời điểm tạo dựng là năm Chính Hòa thứ 21, 1701. Ngôi đình 7 gian, có kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XVII, XVIII, với một hệ thống các bức chạm khắc gỗ rất đẹp và giá trị.
Các điêu khắc gỗ ở đây cho thấy cuộc sống dân gian hồn nhiên, giàu sức sống, như: cảnh đánh vật, bắn cung, múa đinh ba phản ánh tinh thần thượng võ; cảnh người đứng thổi sáo trữ tình; cảnh hội làng nhộn nhịp…
Hơn 300 năm đã trôi qua, ngôi đình vẫn được người dân Kim Hoàng bảo tồn, gìn giữ được những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo.
Làng Kim Hoàng xưa thuộc tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức). Tổng Hương Canh xưa có 2 xã là Hương Canh và Vân Canh, gồm tất cả 7 làng Canh. Đây là một vùng đất cổ, các làng Canh đều được gọi theo Nôm là kẻ Canh, cư dân đến sống ở đây ít nhất cũng từ đầu công nguyên.
Theo bản Ngọc Phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, từ đời Vua Hùng thứ XVIII, ông Phan Tây Nhạc đã từ Châu Ái (Thanh Hóa) ra vùng Canh cư ngụ. Sau ông có theo Tản Viên Sơn Thánh đi đánh quân Thục, nên được Vua Hùng gả cháu gái và cho phong ấp ở vùng Canh. Đây là một vùng quê cổ kính, văn hiến, đã được ghi nhận qua câu phương ngôn nổi tiếng: Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương…
7 làng Canh gồm: Canh Ngọc Mạch, Canh Hòe Thị, Canh Thị Cấm, Canh Hậu Ái, Canh An Trai, Canh Kim Bảng và Canh Hoàng Bảng. Hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng, đến cuối thế kỷ XVI đã nhập thành một làng, là Kim Hoàng; và sau đó dựng ngôi đình lớn. Tấm biển Lưỡng bảng hội đình hiện còn lưu giữ ở đình Kim Hoàng.
Một số mẫu tranh dân gian Kim Hoàng đã được phục dựng
Mảnh đất này cũng đã nổi tiếng với nghề vẽ tranh dân gian truyền thống. Tranh dân gian Kim Hoàng có cả tranh thờ, như tranh Ông Công, Ông Táo, Các vị Tiên sư…; tranh Tết, như Tiến lộc, Tiến tài, Lợn, Gà…; cả tranh sinh hoạt, như Đấu vật, chọi trâu, Đi cày, Hứng dừa…
Tranh Kim Hoàng được nghệ nhân vẽ trên giấy điều, giấy tàu vang, bởi thế mà còn được gọi là tranh đỏ Kim Hoàng.
Sau hơn 70 năm vắng bóng, gần đây, tranh Kim Hoàng đã bắt đầu được phục hồi. Đến này, hơn dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa thực hiện với sự tham gia của chính người làng Kim Hoàng đã khôi phục được gần 50 mẫu, ngoài ra còn thử nghiệm tạo thêm những mẫu tranh mới.
Những bức tranh gà, tranh lợn, tranh nghê... làm ra đã được người dân và du khách đón nhận. Nhiều người dân Kim Hoàng hiện cũng rất tự hào khi những bức tranh từng thân thuộc đã trở lại với đời sống, góp phần làm sống lại một nét văn hóa tưởng đã tàn phai…
(Theo Báo Tuổi trẻ Thủ đô, 28/3/2018)