Việt Nam có nhiều dòng tranh. Mỗi dòng có những nét đặc trưng riêng. Nhưng điểm chung, nó chỉ ra đời ở những vùng đất giàu truyền thống nhất của đất nước. Nếu như tranh Hàng Trống được xem là sản phẩm của văn hoá Thăng Long, tranh Đông Hồ tiêu biểu cho văn hiến xứ Kinh Bắc xưa, thì tranh Kim Hoàng lại là đứa con tinh thần của văn hoá xứ Đoài (thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).
Tranh Kim Hoàng ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 18 và phát triển mạnh vào thế kỷ 19. Tranh được người dân trong vùng ưa chuộng, và thường mua tranh về treo, chơi những dịp Tết đến, xuân về.
Tranh Kim Hoàng là dòng tranh Tết của tầng lớp nông dân, được in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Phục vụ tầng lớp nhân dân lao động nên màu sắc, nét vẽ trong tranh có phần mộc mạc, nhưng lại ẩn chứa bên trong nhiều kỹ thuật in, vẽ rất tỉ mỉ, tinh tế. Nếu như trong tranh Đông Hồ, mỗi bức tranh có rất nhiều bản khắc gỗ, mỗi bản khắc lại tương ứng với một màu và một lượt in thì đối với tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ dùng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi từ đó mà tự do chấm phá màu sắc lên bức tranh theo cảm xúc và ngẫu hứng cá nhân của mình. Mỗi bức tranh theo đó mang những phong thái, màu sắc khác nhau, thể hiện nét tài hoa riêng của mỗi nghệ nhân tranh.
Thông tin chung
Tên làng nghề
|
Làng nghề tranh Kim hoàng
|
Lịch sử
|
300 năm
|
Sản phẩm chính
|
Tranh dân gian lợn, gà, hái dừa…
|
Số lượng người sản xuất
|
3
|
Nguyên liệu
|
Nguyên liệu tạo màu, giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu, bản khắc gỗ
|
Nguồn nguyên liệu
|
Màu tự nhiên: tự sản xuất, giấy dó mua ở Bắc Ninh, bản khắc gỗ do một số nghệ nhân, họa sỹ hỗ trợ phục dụng
|
Năng lực sản xuất
|
1.000 tranh / năm
|
Thị trường chính
|
Khách du lịch và thị trường nội địa
|
Một số doanh nghiệp làng nghề
|
Cơ sở Đào Đình Chung
|
Thông tin khác
|
|