Đình làng Giẽ Thượng thuộc thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII và nghệ thuật chạm khắc là linh hồn, nét độc đáo nhất trong mỗi ngôi đình.
Toàn cảnh đình làng Giẽ Thượng
Không gian kiến trúc đình Giẽ Thượng
Tọa lạc trên khu đất cao ở giữa làng, trước cửa đình Giẽ Thượng có hồ bán nguyệt, phía ngoài hồ là dòng sông Mang Giang chảy theo chiều từ phải qua trái, từ ngã ba cống Thần xuôi về cầu Giẽ.
Tiền đường nhìn về phía Nam ra con sông Châu Giang. Lưng đình hiện nay áp vào vệ đường Hoàng Quốc Việt, cách Cầu Giẽ trên quốc lộ QL1A chừng 2 km. Cổng đình mới xây lại theo kiểu nghi môn như cũ nhưng câu đối đắp trên trụ biểu được viết bằng chữ Quốc ngữ, hai bên cổng có tượng voi quỳ. Sau cổng có một cây sữa cao to che mát sân ngoài ở bên cạnh đầu hồi ngôi đình.
Theo lối đi từ sân ngoài sang tay phải vào sân trong, trước tòa đại bái có hòn non bộ, tượng nghê và bình phong. Sau bình phong có một ao to, bên trái là cây cổ thụ um tùm tỏa bóng xuống mặt nước. Tòa đại bái gồm 3 gian lớn, xây kiểu 2 tầng chồng diêm, mái lợp ngói ta, tường hồi bít đốc. Cũng lạ là ngoài hiên không thấy có cặp tượng Hộ pháp như thường lệ. Nhà này kết nối với trung cung và hậu cung theo hình chữ “Công”.
Trong đại bái và trung cung của đình Giẽ Thượng có một số hoành phi và câu đối cổ. Gian giữa hậu cung là nơi đặt khám thờ chứa long ngai và bài vị của Thành hoàng. Tại chính điện và hai gian tả hữu vẫn giữ được những mảng chạm khắc gỗ điêu luyện với những hoạt cảnh đời thường xen lẫn các đề tài tiên nữ, voi, nghê, rồng, mây lửa... trông cực kỳ sinh động. Trên cao có treo bức trần gỗ trang trí rất đẹp, giống như ở đình làng Giẽ Hạ. Ngoài ra còn có một lư hương cổ tạc bằng đá liền khối khá tinh xảo đặt trên hương án.
Trang trí trên kiến trúc đình làng Giẽ Thượng thông qua các mảng chạm khắc tập trung chủ yếu trên các cấu kiện gỗ như: đầu dư, kẻ, cửa võng, cốn nách… tiêu biểu nhất là những mảng chạm trên các bộ vì nách liên kết giữa cột cái và cột quân của tòa đại đình gồm có các con rường chồng khít lên nhau tạo thành các bức cốn với đề tài trang trí khác nhau. Mỗi tác phẩm nghệ thuật ấy khắc họa một khía cạnh đời sống tâm linh hoặc sinh hoạt thường ngày một cách dung dị của người dân ở các làng quê.
Mảng chạm Tiên cưỡi phượng
Đình làng Giẽ Thượng thờ thành hoàng là Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương. Thần là con vua Hùng thứ 8 là Huy Vương và Tiên Dung Châu cung phi chính thất. Thần là một trong năm người con của nhà vua đã lập được nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm, giữ gìn nước Văn Lang, được nhà vua tuyên dương công trạng. Khi hóa các triều đại đời sau ghi nhớ công lao tôn phong vào hạng Thượng đẳng thần.
Nghệ thuật chạm khắc đình làng Giẽ Thượng
Mảng chạm thứ nhất trang trí đề tài “Tiên cưỡi phượng, rồng ổ” trên vì nách tòa đại đình. Chạm khắc đề tài “tiên cưỡi phượng”, khuôn mặt tròn đầy, nét mặt vui tươi rạng rỡ đầy biểu cảm, tóc búi trái đào, tay phải ôm cổ phượng, tay trái giơ lên ngang mặt, lòng bàn tay ngửa, phượng trong tư thế tung cánh bay, từng đường nét chạm trổ đều thấy rõ lông cánh phượng dài và mượt. Trong những mảng chạm hình tiên nữ có thể thấy được cả yếu tố huyền thoại thần tiên và cả yếu tố tả thực rất đời thường nên rất gần gũi với cuộc sống của con người đương thời.
Mảng chạm thứ hai trang trí đề tài “Cưỡi voi đả hổ” trên vì nách tòa đại đình. Voi được chạm khắc trong tư thế đang chạy, trọng tâm hướng về trước, vòi hướng lên cao cuốn lấy đao mác của đầu rồng phía trước, phía dưới vòi voi là hình ảnh một con hổ đang chạy từ phía trên xuống, trên lưng voi có hình ảnh một khuôn mặt người cưỡi trên đầu voi. Đây có thể là hình ảnh người quản tượng, bên cạnh có hình ảnh một người cởi trần đóng khố, thắt lưng có mang dao găm, thân người trong tư thế quay vào phía bên trong, tiếp nối phía sau có một ô hình vuông, trong đó có hình một mặt người hướng ra ngoài, phía dưới chân voi còn chạm một khuôn mặt nữa.
Mảng chạm thứ 3 trang trí đề tài “Người săn hổ” trên vì nách tòa đại đình. Con rường thứ nhất chạm hai đầu rồng ngược chiều nhau, bên dưới chạm hình voi đang nghiêng vai đỡ lấy trụ trốn. Đặc tính của hổ là hung dữ, nhưng nếu trong cuộc sống con người đã thuần hóa hổ thì ở trong điêu khắc các nghệ nhân xưa đã thể hiện hổ những tình cảm đặc biệt tạo nên những hoạt cảnh sinh động gắn với cuộc sống thường ngày của con người.
Mảng chạm thứ 4 trang trí đề tài “rồng ổ, tượng thú” trên vì nách tòa đại đình. Con rường thứ nhất chạm một con rồng lớn tai thú, mắt lồi, mũi vểnh lên cao, miệng há rộng, bên cạnh có chạm một đầu rồng lớn mũi rộng, miệng há to để lộ hai răng nanh phía dưới, thân rồng ẩn trong con rường.
Lễ hội đình làng Giẽ Thượng được tổ chức vào ngày 12/6 âm lịch hàng năm, dân làng và khách thập phương về tham dự khá đông vui, họ tế lễ, tham gia trò chơi, trò diễn và những trò vui chơi thể thao giải trí.
Là một ngôi đình chứa đựng những giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật hết sức độc đáo năm 1997 đã được Bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997. |