Từ thời trẻ thơ, nghệ nhân Lê Văn Thịnh đã theo bố học nghề đóng giày. Đó là thời gian miệt mài với từng đường khâu mũi chỉ, và phải đi lang thang mọi ngóc ngách đường phố để bán giày.
Nghệ nhân Lê Văn Thịnh (trái)
Mới 12 tuổi, nhưng ông đã thạo việc phụ cho bố và biết thao tác những đường cắt làm mũ giày. Ông luôn nhớ lời bố thường dặn, muốn no nê phải giỏi nghề, và hết lòng với công việc. Khi ấy giày mới đẹp, khách mới nhớ cửa hàng. Đinh ninh trong lòng lời cha dạy dỗ, ông đi tầm sư học đạo khắp nơi. Gặp ai giỏi nghề đóng giày là lại học thiết kế mẫu mới. Thời gian miệt mài trôi đi, ông Thịnh lớn lên trong niềm say mê với kim chỉ, dao kéo, bên chiếc bàn đế. Ông cũng có may mắn có cơ hội học thêm tay nghề đóng giày của nghệ nhân đầu tiên của làng nghề của Phú Yên là nghệ nhân Nguyễn Lương Mạc.
Với hơn 60 năm kinh nghiệm, nghệ nhân Lê Văn Thịnh nức tiếng trong làng với bàn tay tài hoa, đạt những danh hiệu và giải thưởng trong các cuộc thi đóng những đôi giày đẹp, đoạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, và được thành phố Hà Nội phong danh hiệu nghệ nhân, năm 2013. Ông là người thiết kế và sản xuất chiếc giầy được ghi trong kỷ lục Ghinet Việt Nam, chiếc giầy dài tới 2,72m, cao 1,1m, chiều rộng 1,05m và nặng 70 cân. Trong tâm hồn nghệ nhân Lê Văn Thịnh, mỗi đôi giày là một tác phẩm nghệ thuật, mang theo suốt cuộc đời mình. Cách nhìn ấy thể hiện đúng “Đôi mắt” người nghệ nhân làng Giẽ.