Cứ vào dịp sau rằm tháng giêng trở đi là người dân xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) lại hào hứng nhắc nhỏm đến ngày hội làng, được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Sơn Đồng là đất ven đô , theo đường chim bay chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng trên 10 km về phía tây. Làng Sơn Đồng là một làng cổ, cùng trên một vùng đất với di chỉ Vinh Quang , nơi phát hiện ra dấu tích văn hóa của người Việt cách nay trên 3000 năm . Từ xa xưa Sơn Đồng nổi tiếng là một vùng quê trù phú, hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao và đặc biệt nổi tiếng bởi nghề chạm khắc, sơn son thếp vàng tượng Phật, đồ thờ …Với dân số xấp xỉ 9000 người, cư ngụ tại hai thôn: Thôn Nội và thôn Ngoại. Hai thôn do 11 xóm hợp thành, nằm liền kề nhau. Những con đường liên thôn, liên xóm được lát gạch hoặc đổ bê tông chạy dọc ngang bên những ngôi nhà cổ, nhà cao tầng thấp thoáng bóng mái đình, mái chùa…Một làng quê mang nhiều nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Là một làng quê có truyền thống khoa bảng, Sơn Đồng có 8 vị đỗ đại khoa, hàng trăm vị đỗ cử nhân và hàng mấy trăm vị đỗ sinh đồ, tú tài. Về võ quan cũng có hàng chục vị với chức tổng binh (tước hầu) Thiên đô ngự sử, cấm y vệ, lãnh binh…Về di tích lịch sử, Sơn Đồng còn gìn giữ được một hệ thống di tích kiến trúc cổ, bao gồm: Đình, đền, chùa, lăng miếu, từ đường…nhiều di tích được nhà nước xếp hạng.
Có nhiều di tích lịch sử nên Sơn Đồng cũng nhiều lễ hội . Lễ hội Đền Thượng vào ngày 16, 17 tháng 7 âm lịch, nơi thờ Tiền triều Thái phó Lê tướng công, húy Đào Trực (959 – 986), người có công phò Lê Hoàn đánh Tống. Hội chùa vào ngày 7, 8 tháng hai âm lịch, rước mẫu từ chùa Trong ra chùa Ngoài (chùa Diên Phúc)…Nhưng lễ hội, tiêu biểu của Sơn Đồng là lễ hội được tổ chức tại đình làng vào hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng hai âm lịch (chính hội ngày mùng 6).
Từ xa xưa còn truyền lại câu ca: “Sơn Đồng có hội bó mo / Bánh dầy, bánh cuốn đãi cho bạn bè”. Theo các bậc cao niên thì lễ hội làng Sơn Đồng xưa lớn lắm, lễ vật chính dùng để tế thần mỗi ngày 2 con trâu (mỗi thôn một con). Trâu được chọn lựa, thui vàng, lau sạch, để cả con, dùng giá đỡ, hai con được đặt 2 bên hương án, quay đầu vào phía trong đình. Sau cử hành tế lễ, khi hạ lễ trâu được chia đều cho các giáp, riêng cổ trâu được bớt lại cắt thành từng khoanh để biếu các chức dịch. Song hành với lễ là hội. Vào buổi tối mùng 5, trong sân đình có hát ca trù, ngoài cửa đình là các gánh chèo, tuồng thi diễn. Xóm làng rộn rã tiếng trống phách, người đi lại nhộn nhịp, náo nức, đèn đuốc sáng trưng.
Nói đến lễ hội làng Sơn Đồng phải nhắc đến những nét độc đáo, đó là tục thi bánh dầy và giằng bông. Cả làng tất bật, nhộn nhịp làm bánh suốt từ ngày mùng 4, mùng 5. Nhà nào cũng làm bánh để đãi khách. Xóm nào cũng làm bánh để dự thi. Việc chọn gạo nếp, đồ xôi, giã xôi…là cả một kỳ công, bí quyết của làng. Nói riêng việc giã xôi làm bánh dày, bánh cuốn đã thấy thật độc đáo. Giã xôi không giã bằng cối mà phải giã bằng mẹt. Mặt mẹt được xoa một lớp mỡ mỏng và lòng đỏ trứng gà để xôi không dính. Chày giã bằng gỗ, cầm vừa tay, đầu chày bọc bằng mo cau, buộc chặt, có thoa một lớp lòng đỏ trứng gà. Câu ca “bó mo” chính là chỉ việc làm này. Khi giã phải nhanh tay, đều tay để xôi mịn, bánh mới đẹp. Bánh dầy trắng không nhân được đặt tên lá mít hoặc lá chuối cắt tròn. Bánh cuốn có nhân đậu xanh rang trộn mật được bọc bởi lớp lá chuối hoặc lá dừa xanh cắt gọn.
Hội làng Sơn Đồng có nhiều trò chơi như chọi gà, cờ người…nhưng không thể thiếu trò giằng bông (cướp bông) mang đậm ý nghĩa tâm linh và tinh thần thượng võ. Cây “bông” của làng Sơn Đồng thật đặc biệt . Đó là một đoạn tre đực tươi dài xấp xỉ 1 mét được chọn lựa cẩn thận. Đoạn tre được cạo sạch tinh rồi tước “bông” xù lên, nhuộm phẩm ngũ sắc rất đẹp. Cây bông được đặt trên hương án đình làng trong ngày hội , trở thành vật linh thiêng . Sau tế lễ là là giằng bông, một hoạt động có sức lôi cuốn và hấp dẫn. Khi cây bông được tung ra giữa sân đình là cuộc giằng bông bắt đầu. Trai làng đổ xô vào thi tài, cố giằng bằng được cây bông từ trong tay đám đông. Người nào khỏe mạnh, mưu trí giằng được bông rồi giơ lên cao là thắng cuộc. Trong tiếng trống giục , tiếng hò reo cổ vũ, đám giằng bông kéo theo đám đông hào hứng quần đảo, giằng giật nhau , có khi kéo ra cả bãi cỏ, lội xuống cả ruộng bùn… từ chiều qua đêm mà vẫn bất phân thắng bại.
Qua thời gian, lễ hội làng Sơn Đồng có giai đoạn lắng xuống do thời cuộc, nay hội làng được phục hồi, tuy không còn tế lễ cầu kỳ như xưa. Hàng năm, ngày làng mở hội là dịp hội tụ của những người mưu sinh xa quê trở về làng và là dịp đón khách thập phương. Việc tổ chức lễ hội luôn được lãnh đạo xã Sơn Đồng chú trọng, để vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống vừa văn minh, tiết kiệm.
(Theo Báo Lao động Thủ đô, 6/3/2014)