Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái là một trong những người làm chuồn chuồn tre đầu tiên trong làng.
Những con chuồn chuồn do anh Tái làm ra rất đẹp, màu sơn bền mấy năm không hỏng, dù làm bằng tre nhưng dáng điệu lại thanh thoát nên rất được lòng khách.
Anh cho biết, làm chuồn chuồn tre trông có vẻ đơn giản nhưng quá trình làm phải trải qua khá nhiều công đoạn khó, đặc biệt là đo vẽ, lắp ghép các mảnh tre không được lệch chuẩn và đảm bảo tỷ lệ hợp lý mới giúp chuồn chuồn đứng được bằng miệng ở trạng thái cân bằng. Mặc dù địa phương có nhiều tre, trúc nhưng anh phải cất công lên tận Hà Giang, Hòa Bình nhập nguyên liệu để đảm bảo độ mềm, dẻo, bền. Sau khi nhập tre, trúc về, họ sẽ tiến hành cạo tinh (lớp vỏ ngoài) rồi đem phơi, sấy khô để tránh ẩm mốc. Tiếp đó, thân tre được chia thành nhiều gióng hoặc đoạn nhỏ tùy thuộc vào kích cỡ con chuồn chuồn. Để làm nên những phần thân, cánh, người thợ phải khoan lỗ trên thân nan để lắp cánh chuồn chuồn và tạo mỏ, đây còn được gọi là điểm tựa cho chuồn chuồn tre. Khó nhất trong quá trình tạo hình chuồn chuồn đó là vót đuôi và bẻ cho phần đầu hơi cong sao cho khi đặt xuống mặt phẳng thì chuồn chuồn trông như thật.
Anh cũng rất có kinh nghiệm trong việc tạo các họa tiết, màu sắc cho chuồn chuồn, theo anh công đoạn này, người thợ cần khéo léo để bóp đều sơn ra, nếu không sẽ bị loang màu, chất liệu sơn ta sẽ giúp cho sản phẩm vừa bền, vừa đẹp. Điều đặc biệt là các hoa văn, họa tiết đều được những người thợ tại địa phương tự sáng tạo ra, do đó chuồn chuồn tại Thạch Xá luôn có sự thu hút, hấp dẫn riêng biệt.