Khi gió heo may nhè nhẹ trong cái nắng trong veo thổi về, cùng với đó là hương sữa, người Hà Nội biết là thu đã về. Và hương thu còn rõ hơn nữa khi quyện trong đó là hương cốm Vòng níu kéo bước chân khách qua đường của những gánh hàng rong. Một mùa thu Hà Nội hẳn sẽ thiếu đi dư vị, thiếu đi nét độc đáo nếu thiếu đi thứ quà ăn vặt dân dã mà thanh tao này.
Truyện kể mùa thu một năm nọ, có một trận mưa xối xả đúng đợt lúa ngậm sữa. Một gia đình nọ có hai anh em mồ côi cha mẹ đang dần lả đi, bỗng mẹ về báo mộng, hai anh em bất chấp mưa ra gặt lúa, sau khi tuốt và rang lên rồi đem đi giã. Sau khi giã, lớp vỏ bay đi, để lại những hạt nếp non xanh rờn, gọi là hạt cốm. Cả làng nhanh chóng học được cách làm cốm và từ đó làng Vòng trở nên nổi tiếng với nghề làm cốm.
Những người thợ làm cốm gốc của làng cho biết, để có được những gói cốm làng Vòng đúng vị đó là cả một quy trình đầy công phu. Hạt cốm vốn được làm từ nếp cái hoa vàng, một loại gạo nếp nổi tiếng dẻo thơm. Lúa làm cốm cho ngon thì phải là lúa vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi những nhánh lúa khum ngọn, hãy còn sữa thì được gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Cốm được giã bằng loại cối riêng, mỗi mẻ giã khoảng 5kg. Khi giã không được giã mạnh tay quá cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cho đều. Giã được khoảng mười phút, thấy có trấu thì xúc ra, sảy trấu đi, lại giã. Giã khoảng 10 lần thì đem cốm đi sáng và hồ mới thành. Cốm phải được gói bằng lá sen mới tròn vị.
Cốm làng Vòng đã thực sự trở thành món quà đặc trưng, một nét văn hoá của người dân, của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Thông tin chung
Tên làng nghề
|
Làng nghề Cốm Vòng
|
Lịch sử
|
Khoảng 1000 năm
|
Sản phẩm chính
|
Cốm tươi, chè cốm, xôi cốm, chả cốm, gạo đồ.
|
Số lượng người sản xuất
|
70 người
|
Nguyên liệu
|
Thóc nếp
|
Nguồn nguyên liệu
|
Đông Anh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình
|
Năng lực sản xuất
|
65.000kg cốm/năm, 1,2 triệu chiếc bánh cốm/năm
|
Thị trường chính
|
Trong nước và nước ngoài
|
Một số doanh nghiệp làng nghề
|
Gia đình bà Cận, ông Sáng
|
Thông tin khác
|
|