Thường Tín là huyện ngoại thành nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô hơn 20 km, là nơi hội tụ các tuyến giao thông huyết mạch (Quốc lộ 1A cũ và tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cùng các tuyến đường tỉnh lộ 427, 429. Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua với 3 nhà ga là Thường Tín, Tía và Đỗ Xá, đường thủy nội địa có sông Hồng chảy qua với 2 cảng sông là Hồng Vân và Vạn Điểm…), đó là điều kiện thuận lợi giao thương buôn bán với các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Trụ sở UBND huyện Thường Tín
Thông tin chung
- Đơn vị: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Thường Tín
- Địa chỉ: Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, TP Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 3853296; Email: vanthu_thuongtin@hanoi.gov.vn
- Diện tích: 127,59 km2
- Dân số: khoảng 236.300 người.
- Các đơn vị hành chính huyện gồm 1 Thị trấn: Thường Tín và 28 xã: Chương Dương, Dũng Tiến, Duyên Thái, Hà Hồi, Hiền Giang, Hòa Bình, Hồng Vân, Khánh Hà, Lê Lợi, Liên Phương, Minh Cường, Ninh Sở, Nguyễn Trãi, Nghiêm Xuyên, Nhị Khê, Quất Động, Tân Minh, Tiền Phong, Tô Hiệu, Tự Nhiên, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thư Phú, Vạn Điểm, Văn Bình, Văn Phú, Văn Tự, Vân Tảo.
- Về vị trí địa lý, Thường Tín là một huyện nằm phía Nam của thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp huyện Thanh Trì, phía Nam giáp huyện Phú Xuyên, phía Đông giáp sông Hồng và phía Tây giáp huyện Thanh Oai.
Lịch sử hình thành
Thường Tín có tên trên bản đồ Việt Nam từ buổi đầu dựng nước. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì Thường Tín nguyên là đất thuộc quận Giao Chỉ thời Bắc thuộc. Đến các triều đại phong kiến độc lập tự chủ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý Trần; Thường Tín là châu Thượng Phúc. Thời Hậu Lê (1428-1527), phủ Thường Tín bao gồm 3 huyện: Thanh Đàm (tức Thanh Trì), Phù Vân (tức Phú Xuyên), và Thượng Phúc (tức Thường Tín ngày nay), thuộc Trấn Sơn Nam.
Những năm đầu thế kỷ XIX, theo sử sách của Phan Huy Chú thì phủ Thường Tín nằm ở phía bắc Sơn Nam, các huyện đều men theo đường quan lộ, đất bằng rộng rãi, không có rừng núi, chỉ có dòng sông Tô Lịch bao quanh. Phủ Thường Tín với 3 huyện nên trên tồn tại cho đến triều Nguyễn.
Ngày 01/10/1831, vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính, chia lại địa phận, tách, nhập một số phủ huyện, bỏ địa danh hành chính lộ, trấn thành lập 18 tỉnh, trong đó, có tỉnh Hà Nội. Huyện Thường Tín (tức Thường Tín) được thành lập, thuộc tỉnh Hà Nội. Phú Xuyên, Thanh Trì được tách thành 2 huyện riêng. Như vậy, huyện Thường Tín được thành lập từ ngày 01/10/1831.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, huyện Thường Tín được đổi tên thành Thường Tín. Suốt thời Pháp thuộc (1884-1945), Thường Tín là một phủ thuộc tỉnh Hà Đông. Trong hơn 100 năm, từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, huyện Thượng Phúc (Thường Tín) dù có tách, nhập hay đổi tên ở cấp tổng hay phủ, cũng không có gì thay đổi. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thường Tín là một huyện thuộc tỉnh Hà Đông.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 103-NQ-TVQH, theo đó, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây mới được thành lập do hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây. Khi đó, huyện Thường Tín gồm 32 xã.
Từ ngày 27/12/1975, theo Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê chuẩn: Hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội lần thứ 2, trong đó, có 4 xã ở phía bắc huyện Thường Tín là: Đại Áng, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Tả Thanh Oai được sáp nhập vào huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Huyện Thường Tín còn lại 28 xã.
Ngày 19/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 49/HĐBT thành lập thị trấn Thường Tín trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã Văn Bình, Văn Phú và Hà Hồi.
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây. Theo đó, huyện Thường Tín trở lại thuộc tỉnh Hà Tây. Như vậy, huyện Thường Tín có 1 thị trấn và 28 xã, giữ ổn định đến nay.
Từ ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Huyện Thường Tín trực thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Văn hóa và di tích lịch sử
Thường Tín là vùng giàu truyền thống văn hóa, hiện nay còn lưu giữ, tôn tạo nhiều công trình lịch sử - văn hóa tiêu biểu trong đó có đền thờ Chử Đồng Tử (xã Tự Nhiên) một trong Tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử). Truyền thuyết về Chử Đồng Tử phản ánh sinh động cuộc sống của cư dân Việt Nam khi khai thác đồng bằng sông Hồng.
Ở vị trí cửa ngõ, áo giáp của Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội xưa, trải qua nhiều thời đại, Thường Tín phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược. Nhiều nơi trong huyện còn để lại những dấu tích lịch sử phản ánh những trang sử hào hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước: Xã Vân Tảo có đình Xâm Động thờ Linh Lang Đại vương Hoàng Châu, một hoàng tử đời nhà Lý đã có công chống quân xâm lược nhà Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu thế kỷ thứ XI). Xã Dũng Tiến có đền thờ vua Quang Trung tại khu vực chùa Buộm, thôn Ba Lăng để nhớ ơn người anh hùng áo vải đã chiến thắng hai mươi vạn quân Mãn Thanh mở đầu bằng hai trận Hà Hồi và Ngọc Hồi ngay trên đất Thường Tín (thế kỷ thứ XVIII)…Hiện tại, toàn huyện có hơn 445 công trình tôn giáo, tín ngưỡng và di tích lịch sử, văn hóa với 02 di chỉ khảo cổ, 145 Chùa, 125 Đình; Bên cạnh đó còn có các loại hình khác như Đền, Miếu, Lăng tẩm…trong đó, 110 di tích được xếp hạng (59 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp thành phố). Tiêu biểu như: Chùa Đại Minh (Thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái); Đền Thờ Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê; chùa Đậu ở xã Nguyễn Trãi; Đình thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên bên dòng sông Hồng); Chùa Mui (xã Tô Hiệu); Đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất); Đình Là (xã Tân Minh); Lăng đá Quận Vân (xã Vân Tảo); Bến và Đền, chùa Chương Dương (xã Chương Dương); Khu đền Lộ, Xâm Dương, đình chùa đền, lăng Bồ Tát Ninh Xá (xã Ninh Sở); Đền, chùa, đình Vân Trai, Yên Phú (xã Văn Phú); Đình Đan Nhiễm (xã Khánh Hà); Đình Thượng Cung, Ngọc Động (xã Tiền Phong); Chùa Pháp Vân (thôn Văn Giáp, xã Văn Bình)...
Chùa Mui, thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Một trong những di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu là Đình làng Hoàng Xá nơi còn lưu giữ được hơn 10 đạo sắc phong trong đó có 1 đạo sắc thời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng năm 44) và 9 đạo sắc thời Nguyễn được phong vào các thời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Thành hoàng được nhân dân phụng thờ tại đình làng và được phong là “Quách Gia Suy linh thánh chi thần” ngài là một trong những tướng lĩnh giỏi của thời nhà Lê phò giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, sau khi mất được triều đình suy tôn là Thành Hoàng và được nhiều làng xã Bắc bộ phụng thờ.
Nằm giữa vùng đồng bằng phì nhiêu, diện tích rộng, dân số đông, giao thông thủy bộ thuận lợi. Thường Tín có tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp, giao lưu thương mại, có sắc thái của một huyện ven đô. Với đầu óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, người dân Thường Tín sớm làm được nhiều sản phẩm phục vụ dân sinh và trở thành miền quê “đất trăm nghề”. Thường Tín có trên 50 ngành nghề khác nhau, phần lớn là thủ công mỹ nghệ. Nhiều nghề có tính chất cổ truyền và nổi tiếng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề như mây tre đan (Ninh Sở), điêu khắc (Hiền Giang), tiện gỗ (Nhị Khê), thêu ren (Thắng Lợi, Quất Động), sơn mài (Duyên Thái), lược sừng (Thụy Ứng)… Hiện nay, nhều sản phẩm của các làng nghề truyền thống trong huyện đã được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.
Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, trên cơ sở thế mạnh và tiềm lực của địa phương, kinh tế Thường Tín đã có bước chuyển thực sự và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín đang ra sức thi đua phấn đấu, đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xứng với truyền thống “Đất danh hương, huyện anh hùng”.
(Theo hanoi.gov.vn, 07/2/2018)