Với vị trí chiến lược quan trọng cửa ngõ phía Tây và Tây Nam của Thủ đô, huyện Hoài Đức nằm trong vùng quy hoạch đô thị lõi, vành đai xanh của thủ đô Hà Nội. Các tuyến đường Quốc lộ 32 và Đại Lộ Thăng Long huyết mạch thông thương giữa Hà Nội với các vùng lân cận và nhiều dự án đường vành đai, khu đô thị lớn, nhỏ đã tạo nên thế và lực để Hoài Đức hôm nay thực sự chuyển mình khởi sắc tạo nên diện mạo một vùng quê nơi cửa ngõ Thủ đô.
Trụ sở UBND huyện Hoài Đức
Thông tin chung
- Đơn vị: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Hoài Đức
- Địa chỉ: thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 33 861 210; Email: vanthu_hoaiduc@hanoi.gov.vn
- Diện tích: 82,47km2
- Dân số: khoảng 212.100 người.
- Các đơn vị hành chính huyện gồm 1 Thị trấn: Trạm Trôi và 19 xã: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Di Trạch, Dương Liễu, Đắc Sở, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Song Phương, Sơn Đồng, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Sở.
- Về vị trí địa lý, Hoài Đức là một huyện cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, Phía Bắc giáp huyện Đan Phượng, Phúc Thọ và quận Bắc Từ Liêm; Phía Tây giáp huyện Quốc Oai và Phúc Thọ; Phía Nam giáp quận Hà Đông và huyện Quốc Oai; Phía Đông giáp quận Hà Đông và Nam Từ Liêm.
Lịch sử hình thành
Theo sách “Việt sử thông giám cương mục” thì tên gọi Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện: Giao Chỉ và Hoài Đức. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi và địa giới của Hoài Đức biến đổi nhiều lần.
Theo Từ điển Hà Nội địa danh, của Bùi Thiết, mục Hoài Đức (phủ), từ ngày 6/12/1904, phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Đông (đổi tên từ tỉnh Cầu Đơ). Năm 1942, thì bỏ phủ Hoài, phần đất nguyên của phủ Hoài Đức được nhập vào Hà Nội. Sau năm 1945, mới có huyện Hoài Đức (phần đất nguyên là một số xã của các huyện Đan Phượng và Từ Liêm).
Đến tháng 11/1953, huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng được tách bởi huyện Liên Bắc. Hoài Đức bao gồm 10 xã: Kim Chung, Thọ Nam, An Thượng, Sơn Trang, Hữu Hưng, Dương Cát, Đại La, Phương Sơn, Vân Côn, Mã Tân.
Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất (1956), Hoài Đức có thêm 2 xã mới sáp nhập về là xã Cương Kiên và xã Văn Khê. Đồng thời để phù hợp với những quy định mới về quản lý đơn vị hành chính, một số xã được tách ra, thay đổi lại. Lúc này Hoài Đức có 25 xã.
Ngày 20/4/1961, Kỳ họp khóa II, kỳ 2, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc mở rộng thành phố Hà Nội lần thứ nhất, xã Hữu Hưng, xã Cương Kiên, xã Xuân Phương, thôn Tu Hoàng, thôn Miếu Nha của huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Đông) được sáp nhập vào Hà Nội.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 103-NQ/TVQH, theo đó, huyện Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Tây mới được thành lập do hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây.
Ngày 15/9/1969, Chính phủ ban hành Quyết định số 178-CP về việc mở rộng địa giới thị xã Hà Đông và hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Hà Tây, theo Quyết định sát nhập xã Văn Khê (huyện Hoài Đức) vào thị xã Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây.
Từ ngày 27/12/1975, theo Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê chuẩn: Hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình, huyện Hoài Đức (gồm 21 xã) thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội lần thứ 2, Hoài Đức cùng với các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình và 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú được sáp nhập vào Hà Nội, đồng thời tiếp nhận 4 xã Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Tân Hòa của huyện Quốc Oai và 2 xã: Phụng Châu, Tiên Phương của huyện Chương Mỹ. Lúc này, huyện Hoài Đức có 27 xã.
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây.
Ngày 23/6/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52-CP, theo đó, chuyển giao các xã Phụng Châu, Tiên Phương cho huyện Chương Mỹ và các xã Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Tân Hòa cho huyện Quốc Oai; đồng thời, thị trấn Trạm Trôi được thành lập (trên cơ sở thôn Giang Xá của xã Đức Giang) và trở thành huyện lỵ của huyện. Lúc này, huyện Hoài Đức có thị trấn Trạm Trôi và còn 21 xã.
Ngày 23/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số: 107/2003/NĐ-CP, theo đó, chuyển xã Yên Nghĩa vào thị xã Hà Đông. Lúc này, huyện Hoài Đức có 01 thị trấn và còn 20 xã.
Ngày 4/01/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Theo đó, chuyển xã Dương Nội thuộc huyện Hoài Đức với 585,31ha diện tích tự nhiên và 15.766 nhân khẩu về thị xã Hà Đông quản lý. Như vậy, huyện Hoài Đức còn thị trấn Trạm Trôi và 19 xã, giữ ổn định đến nay.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo Nghị quyết, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Huyện Hoài Đức trực thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Văn hóa và di tích lịch sử
Hoài Đức nằm trong một miền đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, huyện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Đây là tài sản vô giá của các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ sau, đồng thời, có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, toàn huyện có 430 di tích thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử kháng chiến, tôn giáo tín ngưỡng, đã có 92 di tích được xếp hạng (trong đó 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp thành phố) và nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời đại đồ đá mới, thời đại đồng thau đến thời kỳ Bắc thuộc. Tiêu biểu như: Di chỉ khảo cổ Vinh Quang (xã Cát Quế) thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên; Di chỉ khảo cổ Vườn chuối (xã Kim Chung), Chùa Gio (xã An Thượng), thuộc các nền văn hóa Gò Mun, Đồng Đậu, Đông Sơn.... đình Giá Lưu Xá, đền Di Trạch, đình chùa Đại Tự (xã Kim Chung), quán Giá (xã Yên Sở)...
Nhà Lưu niệm Bác Hồ tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội
Đặc biệt, trên địa bàn có Nhà Lưu niệm Bác Hồ tại xã Vân Canh nơi dừng chân đầu tiên, đã ghi dấu lưu niệm Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng về làm việc trên chặng đường trường kỳ kháng chiến. Đó là đêm ngày 26/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan bí mật chuyển về ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc, ở làng Hậu Ái xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh) huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội ở và làm việc. Đây cũng là nơi phong trào phát triển mạnh thuộc vùng An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong thời gian ở Hậu Ái, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ giải quyết nhiều việc hệ trọng của đất nước và khẩn trương chuẩn bị trường kỳ kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1946 đến 1954, toàn bộ khu nhà này đã bị phá hủy. Năm 1988, được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương cùng với Đảng bộ, nhân dân huyện Hoài Đức và xã Vân Canh đã khôi phục lại nguyên trạng ngôi nhà chính của cụ Nguyễn Thông Phúc. Công trình được khánh thành và mở cửa cho khách tham quan vào ngày 19/5/1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huyện Hoài Đức có 43 lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm, mỗi xã, thị trấn đều có lễ hội truyền thống riêng. Cùng với lễ hội, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ được duy trì và phát triển như Ca Trù, hát Chèo, tiêu biểu nhất là diễn xướng Ca Trù (tại thôn Ngãi Cầu xã An Khánh).
Trong những năm qua, với phương châm xây dựng Hoài Đức là huyện có tiềm lực mạnh về kinh tế, cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, để trở thành quận nội đô về phía Tây của Thủ đô vào năm 2020, đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà thành phố Hà Nội đặt ra cho huyện Hoài Đức. Đứng trước các nhiệm vụ quan trọng đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Hoài Đức ngày càng nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội mà nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra, thể hiện niềm tự hào về sự phát triển của quê hương Hoài Đức trong tiến trình đổi mới và hiện đại hóa chính quyền, tạo nên những nền tảng vững chắc, tiến tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
(Theo hanoi.gov.vn, 21/12/2017)