Cách thủ đô Hà Nội gần 50km về phía Nam, huyện Mỹ Đức có cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú với núi cao, rừng thẳm, suối dài được xếp đặt một cách tài tình giữa vùng đồng bằng ruộng lúa xanh tươi của danh lam thắng cảnh Hương Sơn, cùng với khu du lịch hồ Quan Sơn đẹp như một vùng “Hạ Long” trên cạn.
Trụ sở HĐND - UBND huyện Mỹ Đức
Thông tin chung
- Đơn vị: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Mỹ Đức
- Địa chỉ: số 2 phố Đại Đồng, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 33847233; Email: vanthu_myduc@hanoi.gov.vn
- Diện tích: 226,97km2.
- Dân số: khoảng 183.500 người.
- Các đơn vị hành chính của huyện gồm: thị trấn Đại Nghĩa và 21 xã: An Mỹ, An Phú, An Tiến, Bột Xuyên, Đại Hưng, Đốc Tín, Đồng Tâm, Hồng Sơn, Hợp Tiến, Hợp Thanh, Hùng Tiến, Hương Sơn, Lê Thanh, Mỹ Thành, Phù Lưu Tế, Phúc Lâm, Phùng Xá, Tuy Lai, Thượng Lâm, Vạn Kim, Xuy Xá.
- Về địa lý, Mỹ Đức là huyện nằm ở tận cùng phía Tây Nam của thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp huyện Chương Mỹ. Phía Nam giáp tỉnh Hà Nam. Phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình. Phía Đông giáp huyện Ứng Hòa, ranh giới là con sông Đáy.
Lịch sử hình thành và phát triển
Huyện Mỹ Đức nguyên xưa là phần đất của hai huyện Yên Sơn, Mỹ Lương thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây và huyện Chương Đức, thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Nam Thượng. Đến năm Gia Long thứ 13 (1814), đổi sang phủ Ứng Hòa. Đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) chia huyện Chương Đức thành hai huyện Yên Đức, thuộc phủ Mỹ Đức và huyện Chương Mỹ thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông.
Sau năm 1945, huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Đông. Ngày 21/4/1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 103-NQ-TVQH, theo đó, huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Tây mới được thành lập do hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây.
Từ ngày 27/12/1975, theo Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê chuẩn: Hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình, huyện Mỹ Đức (gồm 22 xã: An Mỹ, An Phú, An Tiến, Bột Xuyên, Đại Hưng, Đại Nghĩa, Đốc Tín, Đồng Tâm, Hồng Sơn, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Hùng Tiến, Hương Sơn, Lê Thanh, Mỹ Thành, Phù Lưu Tế, Phúc Lâm, Phùng Xá, Thượng Lâm, Tuy Lai, Vạn Kim, Xuy Xá) thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 19/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 49-HĐBT về việc thành lập một số thị trấn của các huyện Mỹ Đức, Tân Lạc và Thường Tín thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Theo Quyết định, tách thôn Tế Tiêu của xã Đại Nghĩa với 185,9ha diện tích tự nhiên và 3.591 nhân khẩu để thành lập thị trấn Tế Tiêu là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Đức.
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây. Huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 8/01/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2004/NĐ-CP về việc sát nhập thị trấn Tế Tiêu và xã Đại Nghĩa để thành lập thị trấn Đại Nghĩa thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Khi đó, huyện Mỹ Đức có 1 thị trấn và 21 xã, giữ ổn định cho đến nay.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo Nghị quyết, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11ha và dân số 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Huyện Mỹ Đức trực thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Văn hóa và di tích lịch sử
Huyện Mỹ Đức hiện có gần 200 di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, gồm: 68 đình, 44 đền, 85 chùa và hàng chục quán, miếu, nhà thờ, nhà nguyện, nhà lưu niệm… được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu như: Đình Thượng Thôn, đình Tảo Khê, chùa Phúc Khê, chùa Tứ Xã, đình Phú Hữu, chùa Bột Xuyên, đền Kim Bôi, đình Thượng Lâm, đền Đục Khê, Khu di tích Hương Sơn...
Đặc biệt, Khu di tích Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Khu di tích Hương Sơn là một tập hợp nhiều đền, chùa, hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo lên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo Phật. Có lẽ đã trải qua nhiều thế kỷ, nét văn hóa đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam ta khi đến với Khu di tích Hương Sơn, để rồi những tao nhân mặc khách hàng năm lại nô nức về đây với mong muốn được thắp một nén tâm hương, để thoả ước nguyện của mình.
Bên trong động Hương Tích mang vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá và ánh sáng
Trước một danh thắng như vậy, các vị Vua Chúa và các tao nhân mặc khách đã không tiếc lời thán phục. Vào năm Canh Dần (1770), khi chúa Tĩnh đô Vương Trịnh Sâm tuần du Hương Sơn cũng phải thốt lên "Giang sơn bỡ ngỡ bức tranh in", cảm trước vẻ đẹp của động Hương Tích đã tạc vào vách đá ở cửa động chữ "Nam Thiên đệ nhất động" (Động đẹp nhất trời Nam), bút tích vẫn còn đến ngày nay. Danh thắng Hương Sơn từ xa xưa đã nức tiếng thiên hạ, nơi đây được mệnh danh là “kỳ sơn tú thủy” của Việt Nam. Những ai đã đến thăm chùa Hương cũng đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp diễm lệ của phong cảnh và đắm chìm trong không gian thanh tịnh, thoát tục của bầu không khí Phật Giáo. Bà Huyện Thanh Quan trong một lần đến thăm chùa, trước cảnh sắc nơi đây đã viết bài thơ vịnh cảnh Hương Sơn:
Đệ nhất Nam thiên ấy cảnh này
Hai bên quả núi lồng gương suối
Cửa Phật lần theo tầng đá dài
Nam - mô tiếng dậy thưa trần tục
Thuyền nan đón khách mái chèo lay
Bốn mặt hoa ngàn rủ bóng mây
Chùa tiên bát ngát khói hương bay
Non nước bồng lai mới thấy đây.
Lễ hội chùa Hương kéo dài từ ngày 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Quần thể danh thắng Hương Sơn hình thành ba tuyến chính:
* Tuyến Hương Tích: Gồm có Suối Yến, Đền Trình, cầu Hội, Chùa Thanh Sơn, Hương Ðài, Chùa Thiên Trù, Hinh Bồng, chùa Tiên, Chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, Động Hương Tích.
* Tuyến Long Vân: Gồm có động và chùa Long Vân, động Tiên, động Người Xưa, chùa Cây Khế, Hinh Bồng Tự.
* Tuyến Tuyết Sơn: Gồm có đền trình Phú Yên, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả, Bảo Ðài, đền Mẫu, đền Thượng, động Ngọc Long...
Không chỉ có Chùa Hương, Mỹ Đức còn có vẻ đẹp của Hồ Quan Sơn như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên cạn. Những ngọn núi đá vôi sừng sững mọc lên trên mặt nước tạo cho du khách ấn tượng về vẻ đẹp kỳ khôi của đá và nước. Các hòn Sư tử, Trâu trắng, Quai chèo, Voi phục,… luôn là những điểm đến hấp dẫn của biết bao du khách.
Rất nhiều tiềm năng, Mỹ Đức được đánh giá là địa phương có thể trở thành khu du lịch trọng điểm của thủ đô Hà Nội theo loại hình du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với sinh thái, nghỉ dưỡng đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế của huyện.
Mỹ Đức được biết đến là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, những năm qua, dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, song với sự giúp đỡ của Trung ương, của Thành phố, sự đoàn kết thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của nhân dân, huyện Mỹ Đức đã giành được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, đang từng bước xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
(Theo hanoi.gov.vn, 22/1/2018)