Gia Lâm - vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi giao thoa của dòng văn hoá Thăng Long và Kinh Bắc. Nhân dân Gia Lâm giàu truyền thống yêu nước và cách mạng với nhiều đức tính tốt đẹp: cần cù, chịu khó, anh hùng, thông minh, sáng tạo. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhất là sau cuộc Cách mạng tháng Tám -1945 lịch sử, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, nhân dân Gia Lâm cùng Thủ đô và đất nước lập thêm bao kỳ tích để xây dựng và bảo vệ quê hương góp phần làm rạng rỡ truyền thống anh hùng bất khuất của Thủ đô Hà Nội anh hùng và dân tộc Việt Nam quang vinh.
Thông tin chung
Huyện Gia Lâm nằm ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Phía Bắc của Huyện là quận Long Biên; phía Tây Nam có địa giới là dòng sông Hồng, bên kia bờ là huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai; phía Đông Bắc và Đông giáp với các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh; phía Nam giáp với huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
- Đơn vị: Quận uỷ-HĐND-UBND huyện Gia Lâm
- Địa chỉ: Số 10, Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội
- Điện thoại: 3.8276.904
- Diện tích: 114,79 km2.
- Dân số: khoảng 243.957 người (năm 2011).
- Các đơn vị hành chính: 20 xã, 2 thị trấn. Đó là các xã: Bát Tràng, Cổ Bi, Dương Hà, Dương Quang, Dương Xá, Đặng Xá, Đa Tốn, Đình Xuyên, Đông Dư, Kiêu Kỵ, Kim Lan, Kim Sơn, Lệ Chi, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Phú Thị, Trung Màu, Yên Viên, Yên Thường, Văn Đức và 2 thị trấn: Yên Viên, Trâu Quỳ.
Lịch sử hình thành
Xa xưa, Gia Lâm thuộc vùng đất Long Biên
Thời Lý, Gia Lâm thuộc phủ Thiên Đức
Thời Trần, thuộc lộ Bắc Giang
Thời Hậu Lê, thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc
Thời Nguyễn, huyện Gia Lâm nằm trong trấn Kinh Bắc.
Năm 1831, huyện Gia Lâm có 10 tổng (79 thôn, sở) đó là các Tổng: Cổ Biện, Kim Sơn, Đặng Xá, Gia Thuỵ, Đông Dư, Đa Tốn, Cự Linh, Nghĩa Trai, Như Kinh và Lạc Đạo.
Sau năm 1858, ba Tổng là: Nghĩa Trai, Như Kinh và Lạc Đạo chuyển về huyện Văn Lâm thuộc đạo Bãi Sậy (Hưng Yên).
Trước năm 1945, huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, rồi phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 28/11/1948, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 263/SL đưa huyện Gia Lâm (kể cả đặc khu Ngọc Thuỵ) thuộc tỉnh Bắc Ninh sáp nhập vào Hưng Yên. Một năm sau, do yêu cầu của tình hình mới, ngày 07/11/1949, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 127/SL đưa toàn bộ huyện Gia Lâm trở lại Bắc Ninh.
Sau ngày Thủ đô giải phóng, đặc khu Ngọc Thuỵ trở thành Quận 8 thuộc thành phố Hà Nội.
Theo Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, kỳ họp thứ 2 ngày 20/4/1961 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/5/1961 quy định địa dư hành chính huyện Gia Lâm và sáp nhập huyện Gia Lâm về Hà Nội bao gồm: toàn bộ Quận 8, huyện Gia Lâm, 7 xã và thị trấn Yên Viên của hai huyện Từ Sơn và Tiên Du, 2 xã Dương Quang, Dương Xá (huyện Thuận Thành) và xã Văn Đức (huyện Văn Giang); huyện Gia Lâm có 31 xã và 2 thị trấn.
Ngày 13/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định thành lập 2 thị trấn là Sài Đồng và Đức Giang. Huyện Gia Lâm có 31 xã và 04 thị trấn
Từ ngày 01/01/2004, theo Nghị định 132/2003/NĐ-CP của Chính phủ, một phần đất và dân số huyện Gia Lâm (gồm 13 xã, thị trấn) được tách ra để thành lập quận mới Long Biên.
Ngày 02/01/2005, Chính phủ quyết định chuyển xã Trâu Quỳ thành thị trấn Trâu Quỳ.
Quá trình xây dựng và phát triển huyện Gia Lâm
Gia Lâm được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, là địa bàn quân sự chiến lược ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 1B; Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5; Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Hà Nội - Hưng Yên; đường 181...; đường thuỷ sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc và xuôi cảng biển Hải phòng. Trên địa bàn Huyện có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại được hình thành; nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút đông khách thập phương trong và ngoài nước như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng, may da Kiêu Kỵ, chế biến thuốc bắc Ninh Giang. Đây chính là những động lực và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, giao lưu hàng hoá hiện nay và và trong tương lai.
Đất và người Gia Lâm gắn liền với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; kiên cường bất khuất đánh đuổi giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống. Gia Lâm tự hào là quê hương của hai vị thánh: Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử, là hai trong "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Gia Lâm còn gắn liền với tên tuổi của Nguyên Phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Cao Bát Quát, Lý Thường Kiệt và biết bao anh hùng hào kiệt khác mà công tích của họ đã góp phần viết lên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, truyền thống cách mạng hào hùng, tinh thần yêu nước, vì độc lập dân tộc của cha ông tiếp tục được các thế hệ con cháu trên mảnh đất Gia Lâm nối tiếp. Gia Lâm tự hào bởi từ tháng 8/1929 đã có Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Nhà máy gạch Cầu Đuống. Sau khi Đảng bộ Thành phố được thành lập (tháng 6/1930), các chi bộ Đảng ở Gia Lâm lần lượt ra đời và không ngừng phát triển, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào quần chúng cách mạng. Những năm 40 của thế kỷ 20, xã Trung Mầu đã trở thành một điểm “An toàn khu” của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ. Khi thời cơ cách mạng đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 18/8/1945 nhân dân Gia Lâm đã đồng loạt đứng lên khởi nghĩa, đập tan chế độ cũ giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong công cuộc kháng chiến anh dũng và lâu dài của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân Gia Lâm mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu chống kẻ thù, lập lên những chiến công vang dội, góp phần vào những chiến thắng vang dội ở Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, hàng vạn thanh niên Gia Lâm đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc bảo vệ Tổ quốc: 4.417 người con ưu tú của Gia Lâm đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Hàng chục gia đình có từ 2 đến 3 con là liệt sĩ, 6 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 134 bà mẹ đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với những thành tích to lớn, những chiến công đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Gia Lâm và các xã Yên Thường, Yên Viên, Trâu Quỳ, Trung Mầu, Kim Sơn, Đa Tốn và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tranh thủ điều kiện và thời cơ thuận lợi, phát huy nguồn lực, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái lao động, sản xuất kinh doanh giành nhiều thành tựu to lớn; kinh tế liên tục phát triển và có mức tăng trưởng khá, văn hoá xã hội phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố tăng cường. Huyện Gia Lâm luôn là đơn vị dẫn đầu các huyện ngoại thành, 03 năm (1997-1999) được tặng cờ thi đua của Chính phủ, gần 49 đơn vị, ngành được tặng Huân chương Lao động.
(Theo hanoi.gov.vn, 23/2/2017)