Chi phí: 100 USD
Thời gian: 01 day
Muốn ăn cơm trắng cá mè. Muốn đội nón đẹp thì về làng Chuông”. Câu ca này đã được truyền tụng từ bao đời không còn ai nhớ nữa, chỉ biết rằng nó là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm và biến động cùng lịch sử đất nước, nghề làm nón làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn tồn tại và phát triển.
Nhắc tới tà áo dài, chiếc nón thơ, người ta lại nghĩ ngay đến đất nước con người Việt Nam. Nhất là chiếc nón, nó là vật nói lên nét duyên dáng, vẻ đẹp kín đáo của người con gái. Do có truyền thống như vậy nên ở Việt Nam ta có rất nhiều nơi làm nón lá như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế… Tuy nhiên, chưa có nơi nào có những chiếc nón độc đáo như ở làng Chuông. Làng Chuông gồm có sáu xóm thì tất cả người dân đều làm nghề nón. Vật dụng làm nón gồm lá, chỉ và khung nón. Khác nón lá ở Quảng Bình hay Thanh Hóa chỉ quay nón 2 lần và lần quay bên trong khác hẳn là quay ngược chiều kim đồng hồ so với lần 1, nón làng Chuông phải quay 3 lần, 2 lần lá trắng và một lần mo nang. Do có thêm 1 lớp mo nang nên nón làng Chuông chắc chắn và bền. Phần trang trí cũng cầu kỳ hơn: cước khâu phải chọn sợi nhỏ, mũi khâu phải nhanh lẹ và đều. Và điều quan trọng hơn, để tăng tính chuyên nghiệp, người thợ làng Chuông không đảm nhận hết các công đoạn trong việc làm ra một chiếc nón mà chỉ đảm nhận từ khâu lên khuôn, cho đến khi tạo thành một chiếc nón hoàn chỉnh, có giá trị thẩm mỹ phù hợp với thị hiếu khách hàng. Các khâu khác như lên khuôn, làm vành đều đặt các địa phương khác làm…”.
Từ xa xưa, các cụ trong làng thường làm những loại nón: bằng, đấu, nhỡ, thúng, quai thao… Do thị hiếu của thị trường, những loại nón này dần không phù hợp, đến khoảng những năm 1930 chiếc nón lá trắng (còn gọi là Xuân Kiều) ra đời và ngay lập tức chiếm vị trí thượng phong và tồn tại đến tận bây giờ. Loại nón này, cách làm không cầu kỳ như những chiếc nón xưa, dễ học và chi phí sản xuất thấp (chủ yếu lấy công làm lãi). Tuy nhiên, để làm được một chiếc nón đẹp, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi người thợ không chỉ khéo tay mà phải có kinh nghiệm. Mo nang (mo tre) phải dĩa thật mỏng, vào mùa hanh phải vẩy qua nước cho khỏi dập, vỡ. Các vòng cái (vòng to nhất của nón) phải chọn lưạ sao cho đều, đạt độ nhẵn bóng cao. Cầu kỳ nhất là cách xử lý nón. Lá mua về có màu xanh sẫm, lấy cát đãi sạch cho lá vào đạp mỏng, không đạp mạnh và không đạp bằng gót chân để tránh dập lá. Khi lá được đạp xong đem phơi nắng để từ màu xanh chuyển sang màu trắng. Nắng càng to thì lá phơi càng trắng. Trước khi làm đem lá hơ qua diêm sinh để thêm phần trắng và giữ màu, sau đó phơi sương cho mềm rồi rẽ lá, cuối cùng là lá cho phẳng… Hiện nay, ngoài chiếc nón lá trắng (chiếm 90%), người làng Chuông còn sản xuất nón lá già, các loại nón lưu niệm… đặc biệt là gần đây một số ít cụ cao tuổi trong làng đang quay lại sản xuất nón quai thao để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Trải qua bao thời gian, với biết bao thăng trầm, đến nay nghề làm nón ở làng Chuông vẫn không ngừng phát triển, nó không chỉ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước mà cả thị trường nước ngoài. Trong tương lai, xu hướng đội nón có thể giảm nhưng với sự cần cù, không ngừng sáng tạo ra các loại mẫu mã, sản phẩm mới chắc chắn chiếc nón làng Chuông vẫn có “chỗ đứng” và là niềm tự hào không chỉ của quê hương mà của cả nước.