Nhóm nghề mây tre đan gồm nghề song mây phát triển vào thế kỷ XVII tập trung ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Đông Phương Yên (Chương Mỹ), Bình Phú (Thạch Thất), Cấn Hữu (Quốc Oai), Ninh Sở (Thường Tín), riêng xã Phú Nghĩa có 7 làng duy trì và phát triển nghề với 90% số hộ tham gia. Nghề tre đan ở xã Ninh Sở (Thường Tín) tiêu biểu ở thôn Bằng Sở có cách đây 400 năm từ đời vua Lê Cảnh Hưng. Nghề làm quạt giấy, lồng chim ở thôn Canh Hoạch xã Dân Hòa (Thanh Oai) có từ khoảng giữa thế kỷ XIX cách đây 130 đến 150 năm. Các sản phẩm làng nghề với nguyên liệu chính là cây mây, tre, cỏ tế được đan thành sản phẩm có giá trị như vali, bàn ghế, nôi, giỏ, túi mua hàng, thảm lót, bình phong, lồng chim, làm hương, rổ rá, quạt... cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó 85% tổng số sản phẩm được xuất sang các nước như Liên Bang Nga, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan... Nghề phát triển hầu hết ở các huyện với 365 làng, trong đó 83 làng được Thành phố công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề, thu hút 159.900 lao động tham gia sản xuất.