Chi phí: 100 USD
Thời gian: 01 day
Không ở đâu nghề đan lát lại thăng hoa như Hà Nôi khi tên tuổi của biết bao làng nghề đã đi vào lịch sử, ca dao, tục ngữ và đời sống của người Việt Nam. Thật khó kể hết tên của hàng trăm làng nghề đan lát trên mảnh đất này, nhưng có lẽ không ai không biết đến cái tên làng đan lát Phú Vinh, quê hương của nghệ thuật đan lát mây tre, nơi đã làm rạng danh nghề đan lát của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trên thị trường thế giới.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội 27Km, Phú Vinh là một làng quê thanh bình, nằm nép mình bên những lũy tre xanh cách Trung tâm Thành phố Hà Nội. Không ai nhớ rõ nghề đan lát ở đây đã có từ bao giờ, nhưng từ đầu thế kỷ XVII những người thợ Phú Vinh đã mày mò sáng tác để làm ra những chiếc rổ, chiếc rá cũng như các vật dụng đan lát khác trong gia đình. Để có được những bình hoa, những lẵng hoa hay những đĩa hoa nhẹ nhàng duyên dáng, người ta không chỉ tìm thấy ở Phú Vinh mà còn có ở nhiều làng nghề khác ở Hà Nội như Trường Yên, Đông Phương Yên, Bình Phú... nhưng để tìm những sản phẩm đan lát đẹp từ mây, đặc biệt là hàng mây song xiên thì không đâu có thể sánh được với Phú Vinh.
Cây mây thật giản dị, thoạt nhìn thật khó tìm ra cái chất ”mỹ nghệ” của nó, nhưng với đôi bàn tay tài khéo, người Phú Vinh đã biến những cây mây bình thường ấy trở thành vô giá qua những sáng tạo nghệ thuật. Người Phú Vinh ai cũng biết đan và ai đan cũng đẹp, qua năm tháng thời gian, không ai có thể đếm hết các loại hàng mây tre mỹ nghệ do bao lớp nghệ nhân và người thợ Phú Nghĩa đã làm ra, từ những lẵng mây, làn mây, túi mây, đĩa mây, bát mây, lọ hoa...
Sử dụng nguyên liệu là cây giang, cây nứa tưởng như đơn giản nhưng thực ra cũng khó. Nứa già làm cạp, nứa vừa làm nan, nứa non phải chuốt nan rất mỏng để tết hoa, tết các họa tiết trang trí. Đây là một nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Kỹ thuật chẻ nan yêu cầu phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì sau đan mới đẹp, phải biết chọn từng cái cật, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng. Nứa, giang cạo tinh gặp nắng rất trắng, gặp mưa là mốc, có khi nan phải đem sấy khô, thậm chí phải ngâm chống mọt… Kỹ thuật nhuộm nan cũng là cả một kỳ công để sao cho nan không bị phai, tạo nên một thế giới màu sắc phong phú trên những giỏ hoa, bình hoa, rổ đựng hoa quả, hộp đựng quần áo, giỏ trồng cây, khay đựng đồ…
Nghề đan lát Phú Vinh phát triển đến mức người nghệ nhân có thể nhìn vào ảnh, nghĩ ra cách đan để tạo thành những bức tranh chân dung hoặc tranh phong cảnh. Đây không còn là hàng tre đan với nghĩa bình thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ cũng chính vì vậy, khách nước ngoài rất chuộng hàng mây tre đan của Phú Vinh, đưa các sản phẩm đan lát của Phú Vinh đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nghệ thuật mây tre đan Phú Vinh thực sự thăng hoa cùng chiều dài năm tháng với bao lớp nghệ nhân và người thợ luôn mang trong mình lời nhắn nhủ của ông cha ”một thời nghề giỏi, muôn thời vinh quang”.