Chi phí: 100 USD
Thời gian: 01 day
Trải qua bao dâu bể của thời gian, gốm Việt Nam nói chung và gốm Bát Tràng nói riêng vẫn luôn mang trong mình vẻ duyên dáng riêng biệt, không thể lẫn khi đặt cạnh những tác phẩm gốm sứ của Trung Hoa, Nhật Bản hay Châu Âu. Cũng vẫn là những nguyên liệu thô sơ truyền thống là đất, nước và lửa nhưng nhờ tài hoa của người thợ và tâm hồn dân tộc thấm đẫm trong từng sản phẩm nên những nguyên liệu tưởng chừng câm lặng ấy luôn có tiếng nói riêng, dù chúng được làm ở dạng đất nung, sành nâu, sành xốp, sành trắng hay đồ sứ.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay), 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến phường Bạch Thổ thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) – nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.
Để làm ra sản phẩm gốm Bát Tràng, người thợ gốm phải qua các khâu chọn đất, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”, nghĩa là đất làm gốm phải được nén chặt, để đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm. Bên cạnh đó là kỹ thuật tạo lớp men phủ như men trắng, men lam, men nâu, men xanh rêu, men rạn... cũng cho phép tạo nên rất nhiều niệm sản phẩm gốm không khác nào một cơ thể sống, có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và trong đó còn mang cả yếu tố tinh thần, sự sáng tạo của con người. Tất cả hòa vào nhau để tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt, hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã cùng với sự tinh tế của con người - gốm Bát Tràng. Sản phẩm gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại, được chia thành các nhóm theo chức năng sử dụng như gốm gia dụng, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng , gốm trang trí... Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi, sáng tạo, các nghệ nhân Bát Tràng đã tạo nên một thế giới gốm sứ đủ màu sắc, đa dạng và sống động. Với trên 1.300 hộ gia đình sản xuất gốm năng động trong nắm bắt nhu cầu của thị trường,\ các sản phẩm gốm Bát Tràng đã đáp ứng không chỉ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn vượt qua biên giới về không gian để chiếm lĩnh hàng loạt các thị trường khó tính trên thế giới. Sản xuất và xuất khẩu gốm Bát Tràng tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 25 triệu USD năm 2014, và được người tiêu dùng ở Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, các nước cộng đồng Châu Âu, Mỹ và Australia đánh giá rất cao về chất lượng, mẫu mã cũng như giá thành của sản phẩm.
Vâng, chính sự hoà quyện tuyệt vời giữa đất, nước, lửa với tâm hồn người Hà Nội đã tạo nên một Bát Tràng được người dân Việt Nam và bạn bè thế giới trân trọng.