Chi phí: 100 USD
Thời gian: 01 day
Nói đến nghề tiện gỗ ở Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến làng tiện gỗ Nhị Khê, một làng nghề có lịch sử hàng trăm năm nằm cách Hà Nội chưa đầy 20 km. Đến Nhị Khê bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa biến những súc gỗ xù xì trở thành những sản phẩm tinh xảo; mà còn được hòa vào một không gian làng quê rất đặc trưng của Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình.
Làng nghề cổ Nhị Khê, tên Nôm là làng Dũi, nổi tiếng với nghề tiện gỗ nên dân gian thường gọi là làng Dũi Tiện. Tương truyền Tổ tiên Thánh sư Đoàn Tài là người đã có công khai sinh ra làng nghề. Truyện rằng, dưới thời vua Lê chúa Trịnh, có một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài. Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo như cái điếu 18 lỗ hút, có thể để 18 trai tráng cùng hút một lúc... Đặc biệt, nhiều sản phẩm do ông tiện đã được đem tiến vua. Bằng tài nghệ của mình, ông đã được vua phong sắc “Lê Triều sắc tứ mộc tượng”. Ông đến Nhị Khê và truyền nghề tiện cho dân làng nơi đây. Từ đó dân chúng tôn ông là tổ nghề tiện. Người dân Nhị Khê đến nay vẫn lưu truyền câu ca dao cổ: “Sống thì sống đủ trăm năm/ Chết thì chết giữa hai nhăm tháng mười”. Ở các làng quê Bắc bộ của Việt Nam, tháng 10 là mùa gặt. Ông tổ nghề tiện mất ngày 25/10 âm lịch, đúng vào mùa được coi là no ấm, nên dân làng tiện luôn tâm niệm nhờ ơn phúc của tổ nghề nên họ có được cuộc sống đầy đủ như ngày hôm nay. Vì vậy, cứ đến ngày giỗ của cụ, người làng dù làm ăn gần xa cũng về làng để tưởng nhớ công ơn tổ nghề.
Làng Nhị Khê luôn nhộn nhịp, thể hiện một sức sống mãnh liệt của một làng nghề truyền thống. Các hộ kinh doanh, làm nghề ở Nhị Khê hoạt động như một xí nghiệp khép kín với đầy đủ các trang thiết bị sản xuất từ thô sơ đến hiện đại. Cả làng có trên 400 hộ, hầu như gia đình nào cũng theo nghề tiện. Nghề tiện không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều lao động từ các làng xóm lân cận tham gia sản xuất. Sản phẩm tiện gỗ truyền thống chính của Nhị Khê thường gồm hai chủng loại: một là đồ thờ cúng: ống hương, bát nhang, mâm bồng, lọ hoa, đài nến... bằng gỗ mộc tiện ra rồi đem sơn son thếp vàng; hai là đồ dân dụng như: chấn song gỗ, tay vịn cầu thang, chân bàn ghế, tủ, hạt xâu làm mành, chiếu gỗ, thảm gỗ… Đặc biệt, Nhị Khê còn là nơi sản xuất rất nhiều các sản phẩm độc đáo phục vụ thị trường xuất khẩu như chân đựng nến, bát, đĩa với nhiều chất liệu gỗ khác nhau như gỗ mít, gỗ xoan để phục vụ sơn mài, gỗ trắc, gỗ hương để sử dụng trực tiếp… Nhìn vào sản phẩm tiện Nhị Khê ta sẽ thấy được nét tinh xảo đỏi hỏi kỹ thuật và sự tỷ mỷ, khéo léo, tài hoa của người thợ. Các nghệ nhân cao tuổi trong làng cho biết: trong nghề tiện việc khoan các lỗ nhỏ, càng nhỏ lại càng khó, có nhiều loại mũi khoan khác nhau, khoan xe điếu là khó nhất vì lỗ khoan rất nhỏ. Kỹ thuật không kém phần quan trọng trong nghề tiện là tiện ren. Đó là cách lồng các bộ phận của sản phẩm vào nhau bằng đường ren xoáy ốc. Tiện ren điêu luyện và khi lắp các chi tiết với nhau rất nhẹ nhàng, êm và chặt như một khối hoàn chỉnh. Kỹ thuật cuối cùng trong nghề tiện là tách bóc. Một khúc gỗ muốn tạo thành những vật phẩm theo ý muốn cần phải tách bóc ra từng lớp có độ dày đã định thật đều nhau.
Không chỉ sản xuất các sản phẩm tiện gỗ, nguyên liệu để tiện bây giờ còn có cả những chất liệu được du khách ưa chuộng như sừng, ngà, xương, vỏ trai, đá ... Từ làng quê nhỏ bé này, rất nhiều đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ, chất lượng cao như: tràng hạt đeo, bình, lọ, bát, đũa, hộp đựng, gạt tàn thuốc, các con vật quý, đế đèn, cây đèn,... đã “vượt biên giới” đến với nhiều nước châu Âu, châu Á.
Nhị Khê không chỉ được biết đến như một làng nghề truyền thống độc đáo mà nơi đây được nhiều du khách biết đến đó là quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới - Anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi (1380 - 1442) cùng những danh nhân, chí sỹ yêu nước trải suốt nhiều thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Về với Nhị Khê, du khách có thể đi thăm quan quần thể các di tích, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trải rộng trong làng gồm đình làng xây dựng từ thế kỷ XVII, chùa làng, miếu Trúc, nhà thờ tổ nghề tiện, các nhà thờ họ… có niên đại nhiều thế kỷ và là niềm tự hào của mỗi người Nhị Khê.