Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn sinh năm 1964 là một trong số những nghệ nhân sớm nhất ở làng gốm Bát Tràng được công nhận. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề gốm tại Bát Tràng, chính vì thế mà tình yêu với đất, với gốm của anh được bắt nguồn từ đó.
Không giống như các nghệ nhân khác, chú trọng đến hoa văn, họa tiết, kỹ thuật khi làm gốm thì anh lại quan tâm nhiều đến chất đất. Anh tâm sự “Tại Bát Tràng chỉ có loại đất sét trắng làm gốm bình thường, còn đất đen để làm ấm Tử Sa có nguồn gốc ở Quế Quyển – Hà Nam. Khi lấy đất về tôi pha chế thêm đất ở những nơi khác để tạo độ dẻo, độ bền, độ dai như chất đất Tử Sa ở Giang Tô”.
Nếu chỉ nghe những lời tâm sự của anh, chắc chắn sẽ cảm thấy việc làm ra bộ ấm Tử Sa quá dễ dàng. Thế nhưng nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn đã phải mất hàng năm trời để tìm loại đất, pha chế, tính toán tỷ lệ sao cho sản phẩm đanh hơn, chịu nổi nhiệt độ hơn 1200 độ C. Anh còn sang hẳn Giang Tô để tự tay mua 1 bộ ấm Tử Sa về để nghiên cứu cho sản phẩm của mình.
Khi ra đời, ấm Tử Sa đã được thị trường trong nước cực kỳ đón nhận bởi có nguyên liệu độc đáo, thiết kế tinh tế, nước men càng dùng lâu thì lại càng bóng đẹp do mồ hôi tay của người dùng. Sản phẩm cực kỳ an toàn với người sử dụng, không bị ngấm hương trà không thua kém gì loại ấm Tử Sa Giang Tô.
“Bản thân tôi luôn tìm tòi, sáng tạo ra những cái mới, chứ không thể lặp lại những thứ đã cũ. Tôi chỉ muốn sản phẩm của mình an toàn với người sử dụng, đạt được độ thẩm mỹ cao để mọi người cùng say mê với nghề gốm”. Anh Tuấn tâm sự.
Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn đã từng nổi tiếng với những sản phẩm gốm cực kỳ độc đáo như vò Rồng hay đỉnh gốm. Anh là người con Bát Tràng cực kỳ đam mê với gốm sứ, có tâm với nghề nghiệp, luôn đau đáu tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm mới nhất theo nhu cầu xã hội.