Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển làng nghề, các sản phẩm thủ công của làng nghề cũng như du lịch làng nghề, Thành phố đã có một số chính sách hỗ trợ đầu tư cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ đào tạo, nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp
Thành phố hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 1 năm, áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có cam kết bố trí việc làm cho học viên sau đào tạo. Hỗ trợ 100% học phí và tiền mua tài liệu theo quy định của cơ sở đào tạo, thời gian đào tạo cho từng ngành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp cho chủ các cơ sở sản xuất, lãnh đạo các doanh nghiệp làng nghề. Các cơ sở sản xuất có nhu cầu gửi danh sách đề nghị hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp về Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã hàng năm để tổng hợp nhu cầu.
2. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu làng nghề
Thành phố hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt và có trong dự toán hàng năm. Ngoài việc được hưởng chính sách xúc tiến thương mại theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 Thông tư số 88/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khi tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh miền Trung (từ tỉnh Quảng Bình trở vào) và miền Nam, các cơ sở còn được hỗ trợ thêm 50% cước phí vận chuyển hàng hóa đến hội chợ, tối đa không quá 6 triệu đồng/ cơ sở/năm.
Hỗ trợ các làng nghề được Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công nhận, có trong kế hoạch và dự toán thực hiện hàng năm xây dựng thương hiệu làng nghề 100% kinh phí (không quá 100 triệu đồng/01 làng nghề/01 nội dung) để thực hiện các nội dung: i) đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; ii) đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (lô gô) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; iii) tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề.
3. Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề
Doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng mới công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải, chất thải gây ra, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và nằm trong kế hoạch thực hiện hàng năm được thành phố hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn.
Thành phố cũng hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề: Doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng mới bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề kết hợp du lịch theo quy hoạch, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và nằm trong kế hoạch thực hiện hàng năm được hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua vật tư xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng. Với mục tiêu nhằm tạo dựng quỹ đất có đủ điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, mở rộng mặt bằng sản xuất ở các làng nghề, từ năm 2001 Thành phố Hà Nội đã tiến hành quy hoạch các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn làng nghề. Đến nay đã có 41 cụm sản xuất TTCN đã và đang xây dựng với tổng diện tích 443 ha.